Sau khi phát sóng nội dung chương trình “Trò chuyện cùng bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy” – VÌ LÁ PHỔI KHỎE với chủ đề “Phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác ung thư phổi”, chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi của quý bạn đọc, quý bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân về những vấn đề liên quan đến các phương pháp chẩn đoán, tầm soát và điều trị bệnh lý này.
Trong bài viết này, chúng tôi xin được phép được trích đăng những câu hỏi đáng chú ý nhất trong số đó, với phần giải đáp, tư vấn từ các bác sĩ, các chuyên gia đến từ khoa Chẩn đoán hình và khoa Hóa trị trung tâm Ung bướu bệnh viện Chợ Rẫy.
Câu 1:
HỎI: Người nhà của tôi thường đi tầm soát sức khỏe 6 tháng / lần. Tuy nhiên, vừa rồi họ đi kiểm tra thì mới phát hiện ung thư phổi giai đoạn 3. Cả gia đình đều rất bất ngờ và bàng hoàng không biết việc tầm soát định kỳ 6 tháng 1 lần có đúng không? Có phải thời gian kiểm tra xa quá nên không phát hiện được bệnh ung thư phối? Hay do trang thiết bị máy móc kém?
ĐÁP: Tầm soát sức khoẻ định kỳ 6 tháng 1 lần là tầm soát tất cả các bệnh lý thông thường và thường được sử dụng những phương pháp cận lâm sàng hình ảnh học như XQ ngực thẳng, siêu âm bụng. XQ ngực thẳng thường khó có thể phát hiện những tổn thương phổi nhỏ hoặc các tổn thương bị che bởi xương đòn, bóng tim. Để tầm soát ung thư phổi tốt nhất là nên khám chuyên sâu để bác sĩ có chỉ định chụp CT cắt lớp liều thấp, giúp cho việc phát hiện những bất thường nếu có ở phổi dễ dàng hơn.
Câu 2:
HỎI: Chi phí cho việc chẩn đoán và xác định ung thư phổi khi bắt đầu có dấu hiệu nghi ngờ là bao nhiêu tiền? Chi phí này có được Bảo hiểm y tế chi trả hay không?
ĐÁP: Chi phí cho việc chẩn đoán và xác định ung thư sẽ tuỳ thuộc vào từng giai đoạn bệnh vào thời điểm phát hiện. Nếu bệnh ở giai đoạn muộn hoặc diễn biến phức tạp có thể tốn nhiều thời gian và xét nghiệm hơn để chẩn đoán và đưa ra phương án điều trị. Chi phí chẩn đoán hầu hết sẽ được bảo hiểm y tế chi trả, ngoại trừ một số chỉ định cận lâm sàng như chụp PET-CT khi chưa có bằng chứng giải phẫu bệnh ung thư, hoặc làm đột biến gen trong ung thư phổi giai đoạn sớm v..v..
Câu 3:
HỎI: Tôi có người quen bị ung thư phổi giai đoạn 3. Đã dùng liệu pháp thuốc trúng đích nhưng được 1 thời gian thì loại thuốc này hết hàng. Các bs điều trị đã tư vấn cho người quen của chúng tôi dùng thuốc thay thế trong thời gian đợi nhà cung cấp cũ cung cấp thuốc. Tôi muốn biết, việc này có ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh của người bệnh hay không? Việc sử dụng 1 dòng thuốc mới cho bệnh nhân đang điều trị ung thư có thể gây ra nhiều tác dụng phụ hay không trong khi cơ thể của người bệnh đang yếu?
ĐÁP: Nếu thuốc nhắm trúng đích cùng 1 thế hệ (thế hệ 1 có nhiều loại thuốc khác nhau), cùng tên biệt dược nhưng khác tên thị trường thì vẫn có thể linh hoạt thay thế nếu hết thuốc. Tuy nhiên, trong trường hợp bất khả kháng cần đổi qua những loại thuốc thế hệ khác, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân những tác dụng phụ khác cần chú ý theo dõi. Vì vậy, Anh/ Chị nên tham khảo trực tiếp ý kiến của bác sĩ đang điều trị để được tham vấn cụ thể trường hợp của người thân nhé.
Câu 4:
HỎI: Nếu xác định là bị ung thư phổi thì bệnh nhân sẽ nhập viện ở khoa nào để điều trị? Thời điểm này bệnh nhân có được thanh toán .bảo hiểm hay không?
ĐÁP: Tại bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân ung thư sẽ được điều trị đa mô thức bằng nhiều phương pháp khác nhau để có thể mang lại hiệu quả tối ưu nhất cho người bệnh. Sau khi được hội chẩn tại trung tâm Ung Bướu, nếu bệnh nhân có chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn sớm sẽ được chuyển đến khoa Ngoại lồng ngực để phẫu thuật. Kết thúc phẫu thuật và được đánh giá ổn định, bệnh nhân sẽ được chuyển lại khoa Hoá trị để điều trị hoá trị hỗ trợ hoặc sẽ chuyển đến khoa Xạ trị nếu có chỉ định xạ. Với những trường hợp bệnh của BN phát hiện ở giai đoạn tiến xa tại chỗ hoặc di căn, nếu tổng trạng BN khá ổn thì sẽ được chuyển đến khoa Hoá trị và Xạ trị phối hợp điều trị, nếu tổng trạng của bệnh nhân kém thì sẽ được chuyển đến khoa Chăm sóc giảm nhẹ để hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bệnh nhân sẽ được BHYT thanh toán các khoản trong danh mục theo quy định. Phía nhân viên y tế sẽ tư vấn cho người bệnh hoặc thân nhân bệnh nhân vấn đề này trước khi bắt đầu quá trình điều trị.
Câu 5:
HỎI: Người nhà của tôi bị xác định ung thư phổi. Hiện đang trong quá trình truyền hóa chất nhưng bị đứt gãy thuốc nên phải lùi lại. Liệu việc này có ảnh hưởng đến phác đồ điều trị bệnh của bệnh nhân không? Rồi bệnh có nặng hơn nếu thời gian chờ có thuốc kéo dài hay không?
ĐÁP: Nếu trì hoãn hoá trị trong khoảng vài tuần thì có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc điều trị. Tuy nhiên, nếu trì hoãn quá lâu lên đến vài tháng sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Vì thể, khi hết thuốc kéo dài, bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị để có thể tạm thời chuyển lên bệnh viện tuyến trên hay bệnh viện khác để được tiếp tục hoá trị, hoặc dùng các thuốc hoá trị khác thay thế sẵn có.