Hành trình xây đắp niềm tin



Hơn 10 năm công tác tại phòng Công tác xã hội (CTXH), anh đã kết nối những Nhà hảo tâm để giúp đỡ được nhiều mảnh đời bất hạnh, anh lấy niềm vui của bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn làm hạnh phúc cho riêng mình, anh được mọi người yêu mến đặt cho cái tên: “Tỷ phú 0 đồng” – Anh là Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy.

Chào anh “Tỷ phú 0 đồng”, tại sao anh lại có cái tên độc đáo này?

“Tỷ phú 0 đồng” tạm gọi là một danh hiệu được nhiều bạn trong ngành biết đến. Cái tên này bắt nguồn từ một anh đồng nghiệp, lúc đó thường gọi tôi là “tỷ phú không tiền”. Còn chính xác về cái tên “Tỷ phú 0 đồng” thì có lẽ từ một bài phỏng vấn mà tôi đã thực hiện cách đây hơn 1 năm. Sau bài đó, VTV cũng đã vào làm chương trình về chủ đề này. Và kể từ đó được mọi người biết đến nhiều hơn và thường gọi vui về tôi như vậy.

Đây là một niềm vui, niềm động viên lớn với cá nhân tôi, cũng là cách gián tiếp để được công nhận thành quả hoạt động hơn 10 năm qua của tập thể phòng CTXH khi đã vận động trên 100 tỷ và giúp đỡ được hơn 22,000 lượt bệnh nhân, chính là điều đúc kết ý nghĩa từ cái tên “Tỷ phú 0 đồng”.



Thạc sĩ Hiển tự hào nhận mình là "tỷ phú không đồng".

Sau hơn 10 năm, điều gì khiến anh tự hào nhất trong quá trình hoạt động tại Phòng CTXH?

Có 2 điều khiến tôi tự hào kể từ khi công tác tại phòng CTXH. Đầu tiên là việc xây dựng nên một quy trình quản lý và sử dụng tiền quyên góp từ các Mạnh Thường Quân công khai, minh bạch. Thứ hai, quan trọng nhất, là tạo được niềm tin với tất cả mọi người.

Khi chúng tôi tiếp nhận số tiền từ các Mạnh Thường Quân thông qua hệ thống tài chính của Bệnh viện. Số tiền đó sẽ được gửi đến các bệnh nhân cần giúp đỡ. Hàng tháng, chúng tôi sẽ tổng kết lại số tiền này và trình Ban Giám đốc, khi Ban Giám đốc xem xét và ký xác nhận mới được công bố trên website chính thức của Bệnh viện trước ngày 10 của tháng sau. Tất cả đều rất rõ ràng minh bạch, là cách làm mà chúng tôi đã được thấm nhuần từ tư tưởng của PGS. TS. BS Nguyễn Trường Sơn: “Không liếm mồ hôi của người khác”.

Về phía Nhà hảo tâm, khi quyên góp để giúp đỡ bệnh nhân nghèo thì sẽ nhận được phiếu thu và một bức thư cảm ơn, có đầy đủ thông tin về mã số, thông tin người giúp, thời gian giúp được sự ký duyệt bởi Giám Đốc Bệnh viện. Bản photo của phiếu thu chúng tôi sẽ lưu lại với mã số phiếu riêng để khi cần có thể dễ dàng truy xuất. Cho tới bây giờ, hơn 10 năm thì Phòng CTXH mạnh dạn và tự hào để nói rằng: Việc quản lý quỹ tiền hảo tâm dành cho bệnh nhân nghèo luôn được công khai một cách minh bạch, rõ ràng.

Chính vì quy trình chặt chẽ như thế đã giúp chúng tôi có được niềm tin từ mọi người. Đó là tiêu chí đầu tiên khi làm việc và là kim chỉ nam của Phòng CTXH: “Nối nhịp sống – Chở niềm tin”. Niềm tin ở đây chính là Niềm tin của Cô Bác ở vùng sâu vùng xa, niềm tin của những Nhà hảo tâm, niềm tin của Đồng nghiệp, của Ban Giám Đốc gửi gắm vào. Thành quả của niềm tin đó chính là Huân chương lao động hạng 3 mà Phòng CTXH Bệnh viện Chợ Rẫy được nhận vào ngày 27/02/2020. Đây là một vinh dự lớn lao giúp chúng tôi có thêm động lực để cố gắng hơn cho các hoạt động trong tương lai.


Anh có thể chia sẻ thêm về những hoạt động vì người bệnh đã và đang được phòng CTXH thực hiện?

Có khoảng 20 hoạt động đã đang diễn ra. Trong đó, chiếm khung thời gian nhiều nhất và ghi dấu ấn lớn đó là hoạt động hỗ trợ người bệnh chi phí điều trị. Trong hoạt động này có nhiều mục nhỏ hơn như hướng dẫn bệnh nhân sử dụng BHYT trong quá trình điều trị nội trú, hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn ngay khi bệnh nhân đặt chân đến khu khám bệnh. Ngoài ra, “Bếp yêu thương”, “Chủ nhật chia sẻ yêu thương”, hay gần đây nhất là “Tủ sách cho bệnh nhân ung thư” đều là những hoạt động nổi bật và có ý nghĩa với bệnh nhân. Trong đó “Tủ sách cho bệnh nhân ung thư” với các đầu sách đều hướng đến sự lạc quan, tích cực. Ngoài ra, ở đây còn có tóc giả, mũ len, áo ngực để sẵn dành cho các bệnh nhân ung thư cần có thể sử dụng. Phòng CTXH hy vọng những sự hỗ trợ này sẽ giúp cho người bệnh có thêm niềm tin và tinh thần để vượt qua bệnh tật.



ThS Lê Minh Hiển - Trưởng P.CTXH trao thư cảm ơn và hoa đến ca sĩ Nguyễn Khang
trong chương trình Chủ nhật chia sẽ yêu thương


Tủ sách cho bệnh nhân ung thư.


Sau nhiều năm công tác ở phòng CTXH, những kỷ niệm nào với các Nhà hảo tâm hoặc bệnh nhân khiến anh ấn tượng?

Nếu nói về Mạnh Thường Quân thì có nhiều Cô Chú, những Nhà hảo tâm đã gắn bó hơn 10 năm. Thậm chí lúc đầu chỉ có một người tham gia, sau đó là tất cả gia đình, bạn bè của họ và cứ thế ngày càng được nhân rộng lên.

Mới đây, khi chúng tôi cần sự giúp đỡ đã liên hệ với một Cô ở quận 3. Sau khi trình bày rõ với Cô về các trường hợp cần hỗ trợ và xin Cô ủng hộ 40 triệu thì Cô nói “Con ơi, 40 triệu có đủ không con?”. Điều đó có nghĩa việc mình chia sẻ thông tin với các Nhà hảo tâm đã tạo được sự tin tưởng rất lớn. Đó là kết quả đáng mừng của một quá trình dài nỗ lực xây đắp niềm tin của chúng tôi.

Còn về bệnh nhân cũng có rất nhiều những kỷ niệm đẹp. Gần đây nhất có lẽ là là một bệnh nhi ở Bến Tre được giúp đỡ trong chương trình mổ tim miễn phí. Ai cũng sợ đi khám bệnh, còn bé thì nhắc mẹ “Tại sao lâu rồi không đi khám bệnh?”. Bởi khi đến khám sẽ được gặp bác Hiển.


ThS Lê Minh Hiển và bé Như Ý - Bệnh nhi ở Bến Tre được giúp đỡ trong chương trình mổ tim miễn phí


Sự ủng hộ của Ban lãnh đạo Bệnh viện có ý nghĩa như thế nào đối với anh?

Phải khẳng định rằng tôi quá may mắn, may mắn vì được làm ở Bệnh viện Chợ Rẫy – nơi luôn nhận được sự quan tâm lớn của Ban Giám đốc. Bắt đầu từ Bác sĩ Giám đốc Trương Văn Việt, người đã đưa tư tưởng “Cứu bệnh nhân trước, tiền thanh toán sau” để khắc sâu vào trí nhớ của tất cả nhân viên Bệnh viện. Đó cũng là lý do Thầy muốn tách riêng Tổ Y xã hội ra từ phòng Kế hoạch tổng hợp để phát triển mạnh các hoạt động vì bệnh nhân. Đến giai đoạn của Bác sĩ Giám đốc Nguyễn Trường Sơn thì Phòng CTXH đã được tạo điều kiện tách riêng ra và phân công cho Bác sĩ Phó Giám đốc Nguyễn Văn Khôi phụ trách trực tiếp, chính BS Khôi là người thường xuyên định hướng cho chúng tôi một nguyên tắc mà cho dù bao nhiêu năm rồi vẫn còn nguyên giá trị. Đó là “Nếu bệnh nhân có bế tắc về tài chính nhưng không bế tắc về y khoa thì phòng CTXH lo”. Và sau khi BS Nguyễn Tri Thức làm Giám đốc thì anh tiếp tục ủng hộ nhiệt tình. Tư duy cởi mở ấy được thể hiện qua việc chỉ đạo Phòng CTXH gửi thư để bày tỏ sự cảm kích trước những đóng góp cho các hoạt động từ thiện và khẳng định Bệnh viện Chợ Rẫy luôn sẵn sàng đồng hành cùng Giáo phận TP.HCM, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và giới Văn nghệ sĩ. Anh Thức cũng phân công cho tôi là người chịu trách nhiệm đón tiếp và hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe cho các Đức Cha, Quý Cha, Chư Tôn Đức Tăng Ni và các Văn nghệ sĩ khi đến bệnh viện. Đó là minh chứng cho dù ở giai đoạn nào thì hoạt động của phòng CTXH luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo cụ thể từ Ban Giám đốc để có được thành quả của ngày hôm nay.


Chuyển giao chương trình "Chủ Nhật chia sẻ yêu thương" đến Bệnh viện tỉnh Kon Tum.


Với những đóng góp cho bệnh nhân, cho xã hội anh được coi là người truyền cảm hứng đến giới trẻ, anh có lời khuyên nào đến các bạn sinh viên có ý định đi con đường giống anh không?

Tôi khuyên các bạn nên suy nghĩ và lựa chọn công việc phù hợp với khả năng của mình, và khi đã chọn được công việc nào thì phải thực sự yêu thích công việc đó, dành mọi tâm huyết để có thể hoàn thành công việc được tốt nhất. Nếu muốn dấn thân vào con đường CTXH, bạn cần phải có sự nghiêm túc, kiên trì nỗ lực, chu đáo và ân cần với bệnh nhân. Và cuối cùng, nếu làm công việc này bạn đừng nghĩ nhiều đến thu nhập hay thuyên chuyển qua các phòng ban khác, thay vào đó hãy yêu công việc và chăm sóc cho bệnh nhân như chính người thân của mình, đặt bản thân vào hoàn cảnh của họ để từ đó tìm ra giải pháp giúp hỗ trợ bệnh nhân được tốt hơn.


Nguồn báo Tạp chí Sức Khỏe

Các Tin Khác
WEBSITE LIÊN KẾT
Thu gọn


go88


tải sunwin


hit club


go88


yo88


keochinh

cwin