12 triệu chứng và dấu hiệu Ung thư vú mà Chị em phụ nữ có thể tự kiểm tra trong mùa dịch

Phát hiện ung thư càng sớm thì khả năng chữa được bệnh càng cao.

Hãy cùng tham gia tháng 10 nơ hồng và Tầm soát ung thư vú trong giai đoạn dịch Covid-19 qua sự tư vấn và hướng dẫn từ TS BS Huỳnh Quang Khánh – Trưởng Đơn vị Tuyến vú Bệnh viện Chợ Rẫy.


Ung thư vú- căn bệnh phổ biến

Ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới. Ở Việt Nam, theo xu hướng chung của các nước đang phát triển dẫn đến có sự thay đổi trong mô hình bệnh ung thư trong cả nước, trong đó ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ.

Theo thông kê của Globocan 2020: ung thư vú đứng hàng thứ nhất trong các ung thư thường gặp ở phụ nữ, với số lượng bệnh nhân ngày càng tăng và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở phụ nữ. Năm 2020, ước tính có hơn 2,2 triệu trường hợp bệnh nhân mới mắc chiếm 24,5 %, tỉ lệ tử vong 15,5%. Tuy nhiên, đây là căn bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp, việc phát hiện sớm thì điều trị đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp. Nhờ các chương trình sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú mà tỉ lệ tử vong do ung thư vú đã giảm đáng kể trong vòng 3-4 thập niên trở lại đây. Do vậy việc tầm soát phát hiện bệnh sớm rất có ý nghĩa.

Tháng mười nơ hồng là gì?

Phong trào nơ hồng do bà Evelyn Lauder – Phó Chủ tịch tập đoàn Estee Lauder và bà Penney – Tổng biên tập tạp chí “Self” đồng sáng lập vào tháng 10 năm 1991, nhằm phát động phong trào phòng chống ung thư vú toàn cầu qua biểu tượng “Chiếc nơ hồng”.

Tháng Mười được thế giới chọn là tháng nâng cao nhận thức về ung thư vú dành cho những người sống sót, gia đình và bạn bè của những người sống sót hoặc các nạn nhân của căn bệnh này. Trong tháng 10, các dải băng hồng được đeo nhằm kêu gọi đấu tranh chống lại căn bệnh ung thư chết người và phổ biến đối với phụ nữ.

Ở Việt Nam, phần lớn phụ nữ vẫn chưa có kiến thức về bệnh ung thư vú, đặc biệt là biện pháp tự khám vú tại nhà và ý thức được tầm quan trọng của việc đi khám tầm soát ung thư vú định kỳ nên còn nhiều bệnh nhân ung thư vú đến khám và phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn, khả năng chữa khỏi thấp, chi phí điều trị tốn kém và kéo dài.

Ai sẽ đi tầm soát và kế hoạch tầm soát như thế nào?

Theo hướng dẫn của Bộ Y Tế, lịch khám sàng lọc cho từng đối tượng như sau:

- Đối với nhóm không phải đối tượng nguy cơ cao thì mốc 40 tuổi được đặt ra, khi đó những người dưới 40 tuổi (20-40) chỉ cần tự khám vú hàng tháng, khám lâm sàng từ 1 đến 3 năm một lần. Còn những người từ 40 trở lên cần tự khám vú hàng tháng, khám lâm sàng và chụp X quang tuyến vú mỗi năm một lần.

- Đối với nhóm nguy cơ cao (có xạ trị vùng ngực trước đây, tiền sử gia đình nặng hoặc có nguy cơ về di truyền học, những người có ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ hay tăng sản không điển hình) thì mốc 25 tuổi được đặt ra, khi đó những người dưới 25 tuổi chỉ cần tự khám vú hàng tháng và khám lâm sàng mỗi năm một lần. Còn những người từ 25 tuổi trở lên cần tự khám vú hàng tháng, khám lâm sàng 6 tháng -1 năm một lần và chụp X quang tuyến vú 1 năm một lần.

Dịch covid 19 và các khuyến cáo tầm soát ung thư vú

Từ khi dịch covid 19 diễn ra, việc dãn cách xã hội có ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại và khám bệnh của người dân trên thế giới và cả ở Việt Nam, đặc biệt là các vùng có dịch.

Ứng dụng Y học từ xa (telemedicine) trong dịch bệnh: Telemedicine là một từ ghép bắt nguồn từ “tele” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “từ xa” và “medicine” trong tiếng Latin là “mederi” nghĩa là “điều trị”. Năm 1970, lần đầu tiên khái niệm Telemedicine được dùng nhằm mô tả cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân từ xa thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở đây có thể bao gồm cả chẩn đoán và điều trị, cung cấp thuốc men, tư vấn, dự phòng và phục hồi, bảo hiểm y tế, giảng dạy, nghiên cứu...

Ngày nay, Y học từ xa đang phát triển và phần nào giải quyết được các vấn đề chăm sóc y tế trong dịch bệnh. Bệnh viện Chợ Rẫy và nhiều bệnh viện khác có công bố số điện thoại của các chuyên khoa và cử nhiều bác sĩ có kinh nghiệm để tham vấn cho bệnh nhân khi họ liên hệ tư vấn khi có vấn đề về sức khỏe.

Chúng tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi tham vấn y tế từ người bệnh khi họ tự khám vú và phát hiện những bất thường ở vú và đã hỗ trợ, giúp đỡ người bệnh rất nhiều trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên vì dãn cách hay vì lo sợ dịch bệnh mà có một số người bệnh khi phát hiện bất thường ở vú đã không đến cơ sở y tế để xác định bệnh, có những trường hợp thật đáng tiếc khi người bệnh phát hiện khối u ở vú từ trước dịch bệnh nhưng e ngại dịch bệnh không đi khám đến khi xuất hiện loét ra da, lúc này việc chữa trị trở nên khó khăn hơn và tiên lượng không còn tốt nữa.

Các khuyến cáo: Theo khuyến cáo của Hiệp Hội Ung Thư Y tế Châu Âu (ESMO) trong dịch covid 19, khi tự khám vú phát hiện khối u hay những dấu hiệu bất thường nghi ngờ ác tính thì ưu tiên cao cho việc đến cơ sở y tế để có chẩn đoán hình ảnh và can thiệp giúp cho chẩn đoán xác định. Cũng theo khuyến cáo của hiệp hội này trong giai đoạn dịch covid 19, các trường hợp không phát hiện bất thường mới hay đang theo dõi các bệnh nhân nguy cơ cao ung thư vú, thay vì đến cơ sở y tế theo lịch định kỳ thì nên tham vấn y tế qua hệ thống khám bệnh từ xa.

Chúng tôi khuyến cáo các bạn khi đến cơ sở y tế trong mùa dịch, hãy nhớ tuân thủ quy tắc 5K để bảo vệ bản thân mình cũng như cộng đồng. Phòng khám Tuyến Vú- Trung Tâm Ung Bướu- Bệnh viện Chợ Rẫy đang thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa liên quan đến COVID-19, đảm bảo sự an toàn cho người đến khám. Nguy cơ nhiễm COVID-19 khi đến khám tầm soát, chẳng hạn như chụp X quang tuyến vú, hay can thiệp chẩn đoán xác định bệnh là rất thấp.

Cần tìm gì khi tự khám vú?

12 triệu chứng và dấu hiệu ung thư vú.

Erin Smith Chieze từ San Diego (Mỹ) đã chia sẻ một hình ảnh từ tổ chức từ thiện Ung thư vú Toàn cầu. Hình ảnh những quả chanh với các dấu hiệu mọi phụ nữ nên nhận thức được. Trong khi Erin cho biết về việc tự kiểm tra, một bức ảnh tương tự đã dẫn đến việc chẩn đoán tình trạng của chính cô và cứu mạng cô, theo Health News.

Từ bây giờ, khi bạn kiểm tra ngực của mình hãy nhớ kỹ 12 dấu hiệu mà chúng ta nhìn thấy hay cảm nhận được này. Hãy lưu ý rằng không phải khi có dấu hiệu bất thường đều là ung thư, các bạn cần bình tĩnh và liên lạc với các cơ sở y tế chuyên khoa, chúng tôi sẽ tham vấn cho các bạn để có cách giải quyết tốt nhất, an toàn trong giai đoạn dịch bệnh này.


1. Khối dày (thick mass)

Cảm giác một vùng mô vú dày lên có thể là dấu hiệu đầu tiên của một tình trạng nghiêm trọng tiềm ẩn như ung thư vú dạng thùy hoặc viêm.

2. Vết lõm trên da (indentation)

Ung thư vú có thể co kéo mô vú vào trong, điều này có thể dẫn đến một vết lõm hoặc lún vào ở ngực tạo nên vết lõm trên da.

3. Da vùng ngực bị lở (skin irosion)

Khi ung thư đang phát triển dưới da, khối u có thể xâm lấn da và gây ra vết lở loét trên ngực.

4. Đỏ hoặc nóng (redness or heat)

Một phần da ngực đỏ hoặc cảm thấy nóng khi chạm vào ngực, có thể là dấu hiệu của ung thư vú dạng viêm.

5. Dịch tiết bất thường (new fluid)

Dịch tiết bất thường từ đầu vú, có thể có vệt máu, màu nâu hoặc trong, có thể là dấu hiệu kích thích vú, có thể dẫn đến ung thư vú.

6. Xuất hiện lúm đồng tiền trên ngực (dimpling)

Lõm da ở vùng ngực là một dấu hiệu phổ biến khác của ung thư vú dạng viêm.

7. Sưng (bump)

Nếu bạn cảm thấy sưng, phồng hoặc sưng cục bộ, đừng ngại đi khám bác sĩ ngay.

8. Giãn tĩnh mạch vùng ngực (growing vein)

Đôi khi khối u ung thư vú đang phát triển có thể chặn một mạch máu trong ngực, có thể dẫn đến tĩnh mạch bị giãn.

9. Đầu vú đột nhiên thụt vào (retracted nipple)

Khi khối u ở ngay sau đầu vú, nó có thể kéo đầu vú vào trong, dẫn đến đầu vú bị thụt vào.

10. Ngực biến dạng hoặc to bất thường (new shape/size)

Mặc dù bình thường ngực thay đổi kích thước trong khi hành kinh, nhưng bất kỳ thay đổi nào về kích thước hoặc hình dạng của ngực không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt nên được cảnh giác.

11. Da vùng ngực sần vỏ cam (orange peel skin)

Khi có dịch bất thường trong ngực có thể dẫn đến da có những vết lõm hoặc xuất hiện rỗ, giống như vỏ cam.

12. Ngực nổi cục u vô hình (invisible lump)

Có thể sờ thấy các khối u chìm dưới da hoặc cục u ung thư vú thường cứng và bất động như một hạt chanh.

Phát hiện ung thư càng sớm thì khả năng chữa được bệnh càng cao.

Vì vậy, từ nay phụ nữ hãy căn cứ vào các dấu hiệu trên để tự kiểm tra thường xuyên nhé!

Đừng quên liên hệ nhân viên y tế để được tư vấn, giúp đỡ bất kể là trong dịch covid 19.

Số điện thoại tư vấn phòng khám Tuyến vú Bệnh viện Chợ Rẫy: 0911825977.

Các Tin Khác
WEBSITE LIÊN KẾT
Thu gọn


go88


tải sunwin


hit club


go88


yo88


keochinh

cwin