Quản lý bệnh nhân ung thư phổi trong tình hình đại dịch Covid 19

ThS. BS Nguyễn Thị Bích Liên         

   Đại dịch Coronavirus 2019 (thường gọi là bệnh COVID-19), căn bệnh do coronavirus 2 (tên khoa học là SARS-CoV-2) gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng, được tuyên bố là đại dịch vào ngày 11 tháng 3 năm 2020. Tính đến nay, trên thế giới đã có hơn 40 triệu ca nhiễm và gây gánh nặng lên hệ thống chăm sóc sức khoẻ tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam chúng ta.
   Bệnh nhân ung thư phổi, đang hoặc vừa phẫu thuật hay truyền hóa chất, xạ trị cũng dễ nhiễm COVID-19 hơn và khi nhiễm COVID-19 thường có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn và nguy cơ tử vong cao hơn so với người không mắc bệnh ung thư phổi vì virus SARS-CoV-2 gây suy giảm chức năng hô hấp ở người bệnh đã có sẵn tổn thương phổi. Hơn nữa, bệnh nhân ung thư phổi thường có triệu chứng tương tự với COVID-19 như ho và khó thở, có khả năng gây ra sự chậm trễ trong chẩn đoán. Việc chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân ung thư phổi trong tình hình đại dịch COVID-19 đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Hình 1. Hình ảnh khối u phổi trái (mũi tên) trên hình chụp cắt lớp vi tính (CT scans.) 

  Bệnh nhân ung thư phổi có nên đến khám, tái khám và điều trị tại bệnh viện hay không, việc lùi lịch khám có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không, người bệnh ung thư phổi cần lưu ý những gì để phòng ngừa dịch bệnh? 
Công tác sàng lọc COVID-19 tại BV Chợ Rẫy hiện đang được thực hiện như sau:
Bệnh nhân và thân nhân khi đến khám được sàng lọc bằng cách kiểm tra thân nhiệt và khai báo y tế. 
Bệnh nhân và thân nhân phải tuân thủ việc đeo khẩu trang, súc miệng, sát khuẩn, rửa tay, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi đi khám, truyền thuốc.
Hạn chế thân nhân đi cùng bệnh nhân khi đến khám, hạn chế thăm nuôi. 
Đối với bệnh nhân ung thư với nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao hơn, việc sàng lọc càng phải được tuân thủ nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

   

Hình 2. Buồng khám sàng lọc Covid-19 tại bệnh viện Chợ Rẫy



Hình 3. Bệnh nhân truyền thuốc hoá trị ngồi giãn cách trong mùa dịch

Bệnh nhân ung thư phổi có nên trì hoãn điều trị ở giai đoạn dịch bệnh hay không? 
Đối với bệnh nhân đang được điều trị ung thư, tái khám và lãnh thuốc đúng hẹn để được điều trị và dùng thuốc liên tục là việc hết sức cần thiết. Tuy nhiên, các bác sĩ điều trị cũng sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, dựa trên từng bệnh nhân, từng yếu tố nguy cơ như loại ung thư phổi, giai đoạn bệnh, phác đồ đang điều trị, thể trạng của bệnh nhân để quyết định bệnh nhân nên được điều trị ngay hay có thể trì hoãn điều trị được. 
Bệnh viện cũng áp dụng các phác đồ để có thể thay thế các phác đồ điều trị hiện tại phù hợp với tình hình dịch bệnh như:
Chuyển từ thuốc hoá trị đường truyền sang đường uống
Chuyển sang các phác đồ mà bệnh nhân không phải điều trị duy trì kéo dài
Giảm tần suất tái khám, tư vấn bệnh nhân khám và lãnh thuốc tại tuyến cơ sở.
Đối với  thuốc hoá trị, điều trị nhắm trúng đích đường uống như TKIs (ví dụ Erlotinib, Gefitinib, Afatinib, Osimertinib), thuốc nội tiết đường uống thì được cấp phát thuốc dài hơn theo chỉ đạo của Bộ y tế.
Điều phối lịch hẹn tái khám phù hợp để tránh tập trung đông bệnh nhân nhằm làm giảm nguy cơ phơi nhiễm COVID-19 ở nơi đông người.
Tháng 9 năm 2020, bệnh viện Chợ Rẫy chính thức đưa vào hoạt động “Trung tâm hội chẩn tư vấn, khám chữa bệnh từ xa” kết nối với hơn 300 điểm cầu nối trực tuyến, kịp thời thời xử lí những tình huống khẩn cấp cho người bệnh trong đó có bệnh ung thư ở ngay tuyến dưới, tiết kiệm thời gian, chi phiếu điều trị, tránh đi lại và giảm nguy cơ lây nhiễm, phơi nhiễm.

 

Hình 4. Hội chẩn tư vấn, khám chữa bệnh từ xa giữa bệnh viện Chợ Rẫy và tuyến dưới

Cuối cùng, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, người bệnh ung thư phải:
Hạn chế tiếp xúc với những người có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19, liên hệ ngay với cơ sở y tế khi có tiếp xúc với người có nguy cơ mắc COVID-19.
Hạn chế đến những nơi đông người, đeo khẩu trang tại nơi công cộng, giữ vệ sinh cá nhân, luôn giữ cho nhiệt độ phòng đủ ấm để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp. 
Cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng giúp cho sức đề kháng cho bệnh nhân ung thư tốt hơn. 
Việc điều trị ung thư phổi kịp thời là việc quan trọng và việc phòng chống COVID-19 cũng là việc hết sức quan trọng. Do vậy, chúng ta cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhân viên y tế và người bệnh, thân nhân người bệnh để bệnh nhân ung thư được điều trị kịp thời mà vẫn giảm được nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Thạc sĩ. Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Liên
Khoa Hoá trị - Trung tâm Ung Bướu- Bệnh viện Chợ Rẫy
Tài liệu tham khảo
1. Bộ y tế : Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 https://ncov.moh.gov.vn
2. WHO: Coronavirus disease (COVID-19) pandemic https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019
3. JCO Oncology Practice 16, no. 9 (September 01, 2020) 579-586.
4. http://choray.vn/Default.aspx?tabid=135&ID=8976

Các Tin Khác