Ung thư phổi – Yếu tố nguy cơ và tiên lượng sống còn



Ung thư phổi – Yếu tố nguy cơ và tiên lượng sống còn

 

                                                                                                                                                    Ths. BS. Nguyễn Hà Gia Hưng

Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư phổ biến trên thế giới với khoảng 2 triệu trường hợp được chẩn đoán mỗi năm, khoảng 85% các trường hợp có liên quan đến hút thuốc lá. Ngoài ra, khi tiếp xúc với những các yếu tố nguy cơ khác gồm: ô nhiễm không khí, hít khói thuốc lá từ những người xung quanh, tiếp xúc với các chất gây ung thư (ví dụ như bụi amiăng, tia bức xạ, khí phóng xạ radon, kim loại nặng, khí thải lò than cốc…) cũng làm gia tăng khả năng mắc bệnh. Ung thư phổi ngày càng có xu hướng xuất hiện nhiều hơn ở nữ giới, người trẻ tuổi, kể cả người không hút thuốc hoặc hút rất ít.

Người mắc các bệnh lý như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), thiếu chất alpha-1 antitrypsin, xơ phổi hoặc có tổn thương phổi bởi các bệnh phổi khác cũng có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi.

(Bệnh nhân được chẩn đoán tại Trung Tâm Ung Bướu Chợ Rẫy)

Ung thư phổi xuất phát từ những tế bào bất thường ở trong phổi, những tế bào này phát triển, nhân lên mất kiểm soát tạo thành khối u. Nguyên nhân có thể liên quan tới những bất thường trong hệ gen di truyền hoặc đột biến gen mắc phải do tiếp xúc thường xuyên với những yếu tố nguy cơ từ môi trường.

Ung thư phổi được chia làm 2 thể chính đó là: ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong đó, ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm khoảng 80% trên tổng số ca bệnh.

Thời gian sống của người mắc bệnh ung thư phổi đa phần sẽ phụ thuộc vào tình trạng hiện tại của bệnh như: Ung thư thuộc loại tế bào nhỏ hay không tế bào nhỏ, giai đoạn bệnh, phương pháp điều trị, sức khoẻ và thể trạng của bệnh nhân.

Đối với Ung thư phổi tế bào nhỏ, tiên lượng bệnh kém. Thời gian sống trung bình khi bệnh ở giai đoạn còn khu trú khoảng 20 tháng, tỷ lệ sống trên 5 năm ở người bệnh khoảng 20%. Bệnh nhân ở giai đoạn di căn có tiên lượng rất kém, với tỉ lệ sống trên 5 năm nhỏ hơn 3%.

Đối với Ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN), tỷ lệ sống trên 5 năm thay đổi theo từng giai đoạn, từ 60 đến 70% đối với bệnh nhân mắc bệnh giai đoạn I, giảm còn 2-13% đối với bệnh nhân mắc bệnh giai đoạn IV (giai đoạn cuối). Gần đây, với những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, thời gian sống còn của bệnh nhân đã được cải thiện nhiều ở cả giai đoạn sớm lẫn giai đoạn muộn. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sống còn được cải thiện ở giai đoạn sớm (giai đoạn IB đến IIIB) khi bệnh nhân được hóa trị hỗ trợ sau phẫu thuật với phác đồ có thuốc nhóm  platinum. Liệu pháp miễn dịch đã mang tới cơ hội điều trị khỏi bệnh cho những bệnh nhân UTPKTBN giai đoạn III không thể phẫu thuật được, cũng như kéo dài sự sống ở những bệnh nhân giai đoạn cuối không phù hợp với liệu pháp nhắm trúng đích. Liệu pháp nhắm trúng đích đã cải thiện sống còn cùng với chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn ở bệnh nhân giai đoạn cuối ở những bệnh nhân có đột biến gen EGFRALK và ROS-1..

Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học và các phương pháp điều trị ung thư mới, tiên lượng sống còn của bệnh nhân ung thư phổi đang dần được cải thiện. Tuy nhiên mỗi người dân cần có ý thức bảo vệ bản thân khỏi ung thư phổi bằng cách hạn chế nguy cơ tiếp xúc với các tác nhân có hại, thăm khám sức khỏe định kì để kịp thời phát hiện và có phương pháp điều trị hiệu quả.

(Khoa Hóa trị -Trung tâm Ung Bướu Chợ Rẫy)

Tài liệu tham khảo:

1.     Lung Cancer - Causes, risk factors, and prevention – American Cancer Society

 

 

 

Các Tin Khác