Chương 1: Tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện

1.1 Tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn

Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu tại Việt nam cũng như trên toàn thế giới. NKBV có thể được xem như là bệnh gây ra bởi bệnh viện, vì đây là những nhiễm khuẩn mắc phải chỉ trong thời gian bệnh nhân nằm viện. Những nghiên cứu cho thấy rằng NKBV làm tăng tỉ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và chi phí điều trị. Cùng với sự xuất hiện một số bệnh gây ra bởi những vi sinh vật kháng thuốc, hoặc bởi những tác nhân gây bệnh mới, NKBV vẫn còn là vấn đề nan giải ngay cả ở các nước đã phát triển. Thống kê cho thấy tỉ lệ NKBV vào khoảng 5-10% ở các nước đã phát triển và lên đến 15-20% ở các nước đang phát triển.

Các bệnh nguyên gây NKBV có mức độ đa kháng kháng sinh cao hơn các bệnh nguyên gây nhiễm khuẩn trong cộng đồng. NKBV kéo dài thời gian nằm viện trung bình từ 7 đến 15 ngày, làm gia tăng sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh. Do đó, chi phí của một NKBV thường gấp 2 đến 4 lần so với những trường hợp không NKBV. Chi phí phát sinh do nhiễm khuẩn huyết bệnh viện là $34,508 đến $56,000 và do viêm phổi bệnh viện là $5,800 đến $40,000 trong vài nghiên cứu. Tại Hoa Kỳ, hàng năm ước tính có 2 triệu bệnh nhân bị NKBV, làm 90000 người tử vong, làm tốn thêm 4,5 tỉ dollar viện phí. Tình hình NKBV tại Việt nam chưa được xác định đầy đủ.  Có ít tài liệu và giám sát về NKBV được công bố.  Những tốn kém về nhân lực và tài lực do NKBV trong toàn quốc cũng chưa được xác định. Có ba điều tra cắt ngang (point prevalence) quốc gia đã được thực hiện.  Điều tra năm 1998 trên 901 bệnh nhân trong 12 bệnh viện toàn quốc cho thấy tỉ lệ NKBV là 11.5%, nhiễm khuẩn vết mổ chiếm 51% trong tổng số các NKBV. Năm 2001 tỉ lệ NKBV là 6.8% trong 11 bệnh viện và viêm phổi bệnh viện là nguyên nhân thường gặp nhất (41.8%). Điều tra năm 2005 tỉ lệ NKBV trong 19 bệnh viện toàn quốc cho thấy là 5.7% và viêm phổi bệnh viện cũng là nguyên nhân thường gặp nhất (55.4%). Bệnh nguyên NKBV đa số là là vi khuẩn Gram âm (78%), 19% Gram dương và 3% là Candida sp.Chưa có những nghiên cứu quốc gia đánh giá chi phí của NKBV.  Một nghiên cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy NKBV làm kéo dài thời gian nằm viện 15 ngày. Với viện phí trung bình mỗi ngày là 192,000 VND, có thể ước tính chi phí phát sinh do NKBV là vào khoảng 2,880,000 VND

Có thể ngăn ngừa NKBVqua những chương trình kiểm soát NKBV. Chương trình kiểm soát NKBV tốt đưa những chuẩn mực về chất lượng chăm sóc vào trong những thực hành lâm sàng. Nghiên cứu về hiệu quả của chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện SENIC (Study on the Efficacy of Nosocomial Infection Control) năm 1970 -1976 đã chứng minh rằng một chương trình kiểm sóat NKBV bao gồm giám sát và áp dụng kỹ thuật có thể làm giảm 33% NKBV. Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện như thế có ý nghĩa thiết thực trong góp phần nâng cao chất lượng điều trị và nâng cao hiệu quả kinh tế. Việc kiểm soát và dự phòng NKBV hiệu quả được xem như là một tiêu chuẩn quan trọng nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện.


1.2 Tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế

Nhằm quản lý tất cả các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, xây dựng chính sách, triển khai giám sát và báo cáo tại các cơ sở y tế, cần phải có một bộ khung về phòng ngừa kiểm soát NKBV, đó là:
  • Hội đồng chống nhiễm khuẩn
  • Khoa chống nhiễm khuẩn
  • Mạng lưới chống nhiễm khuẩn

Tại nước ta, quy chế về hội đồng và khoa chống nhiễm khuẩn đã được Bộ Y Tế ban hành và yêu cầu thực hiện từ năm 1997. Tuy nhiên chương trình kiểm soát NKBV đang còn ở giai đoạn đầu mới hình thành và chưa có sự đồng bộ giữa các bệnh viện về hoạt động và tổ chức kiểm soát chống nhiễm khuẩn.


1.2.1 Hội đồng chống nhiễm khuẩn

Hội đồng chống nhiễm khuẩn đóng vai trò quan trọng trong xây dựng chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn. Hội đồng chống nhiễm khuẩn có quyền quyết định và xây dựng chính sách, các hoạt động chủ chốt về kiểm soát nhiễm khuẩn. Chẳng hạn như, hội đồng chống nhiễm khuẩn có quyền đưa ra những biện pháp đơn giản như khi nào thì cần cấy môi trường, khi nào cần cách ly hay tư vấn cho nhà thiết kế bệnh viện hay có quyền quyết định các biện pháp quan trọng hơn ví dụ như đóng cửa một khoa để kiểm soát một vụ dịch. Những quyền hạn này được ghi rõ trong quy chế bệnh viện hay trong quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.

1.2.1.1 Thành phần hội đồng chống nhiễm khuẩn

Thành phần của Hội đồng chống nhiễm khuẩn bao gồm lãnh đạo hay đại diện các khoa phòng:

  • Khoa chống nhiễm khuẩn
  • Khoa vi sinh
  • Phòng điều dưỡng
  • Phòng kế hoạch tổng hợp
  • Khoa dược
  • Khoa quản trị vật tư
  • Khoa nhiễm
  • Khoa nội
  • Khoa  ngoại
  • Khoa hồi sức cấp cứu

Những đại diện từ các khoa khác và hoặc những đại diện không có trong danh sách chính thức cũng quan trọng trong những tình huống đặc biệt. Trưởng khoa chống nhiễm khuẩn thường là thư ký điều hành hội đồng chống nhiễm khuẩn. Chủ tịch hội đồng nên là giám đốc hay người trong ban giám đốc.

Phương thức hoạt động

  • Họp định kỳ (1 quý / lần) hoặc đột xuất
  • Thư ký hội đồng chuẩn bị nội dung họp 
  • Thảo luận dân chủ và biểu quyết theo đa số
  • Có biên bản họp, trình GD xem sét phê duyện những nghị quyết của hội đồng
  • Gửi đến những cá nhân và đơn vị liên quan

Những điều thảo luận và đề xuất trong cuộc họp cần phải được ghi lại, báo cáo, công bố và thực hiện.


1.2.1.2 Trách nhiệm của hội đồng chống nhiễm khuẩn

  • Tư vấn và xây dựng chính sách, quy định, quy trình chống nhiễm khuẩn, gồm các vấn đề:

    - Các tiêu chuẩn chống nhiễm khuẩn bệnh viện
    - Hệ thống theo dõi, báo cáo, đánh giá và lưu giữ hồ sơ của những trường hợp NKBV trong  bệnh nhân và nhân viên y tế
    - Các quy định khử khuẩn và sát khuẩn trong bệnh viện
    - Quy trình cách ly bệnh nhân
    - Kế hoạch giảng dạy các thông tin về chống nhiễm khuẩn cho nhân viên bệnh viện, bao gồm cả sinh viên thực tập
    - Kế hoạch tư vấn những vấn đề về chống nhiễm khuẩn
    - Công trình nghiên cứu và giáo dục liên quan đến chống nhiễm khuẩn và dịch tể học
    - Chương trình phòng bệnh cho nhân viên y tế

  • Đánh giá các hoạt động phòng chống nhiễm khuẩn
  • Đề xuất các biện pháp can thiệp kịp thời

1.2.2 Khoa chống nhiễm khuẩn

Khoa chống nhiễm khuẩn chịu trách nhiệm triển khai áp dụng những chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn. Khoa chống nhiễm khuẩn truyền đạt các thông tin từ hội đồng chống nhiễm khuẩn đến các khoa phòng, huấn luyện nhân viên và theo dõi việc thực hiện các hoạt động và chính sách chống nhiễm khuẩn. Nhân viên làm việc cho khoa chống nhiễm khuẩn phải làm việc toàn thời gian và toàn tâm toàn ý với công tác chống nhiễm khuẩn.

1.2.2.1 Tóm tắt công việc và yêu cầu chuyên môn của chuyên viên chống nhiễm khuẩn:

Yêu cầu chuyên môn

  1. Có đủ kiến thức về các chiến lược chống nhiễm khuẩn và thông thạo các vấn đề về luật pháp có liên quan, về chính sách của bệnh viện và về các quy trình liên quan đến công tác chống nhiễm khuẩn.
  2. Được huấn luyện hay đã có kinh nghiệm về hoạt động giám sát và phòng chống nhiễm khuẩn
  3. Được đào tạo liên tục về chống nhiễm khuẩn và dịch tể bệnh viện theo từng chuyên đề, chẳng hạn như khóa huấn luyện về giám sát NKBV, vệ sinh môi trường, khử/tiệt khuẩn, dịch tể học bệnh viện, kiến thức cơ bản về điều dưỡng…

Bằng cấp và kinh nghiệm công tác

BS chuyên khoa: Nhiễm, vi sinh hay dịch tể lâm sàng
Điều dưỡng chống nhiễm khuẩn: Điều dưỡng trung cấp hoặc cao cấp với bằng Cử nhân điều dưỡng và ba năm kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân, hoặc có bằng Cử nhân điều dưỡng y tế cộng đồng và ba năm kinh nghiệm làm y tế cộng đồng. Nhân viên chống nhiễm khuẩn cũng có thể là Cử nhân hay Kỹ thuật viên y với 3 năm kinh nghiệm làm việc trong các phòng xét nghiệm, hoặc là Cử nhân khoa học trong một lĩnh vực có liên quan đến y tế với ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ngoài ra, kinh nghiệm giảng dạy, những kỹ năng giao tế, kỹ năng nói, viết, kỹ năng tổ chức, lòng nhiệt tình và sự cống hiến là đặc biệt quan trọng đối với một chuyên viên chống nhiễm khuẩn.

Nhiệm vụ và trách nhiệm chính của chuyên viên chống nhiễm khuẩn

    1. Đề xuất, xây dựng chính sách, quy định, quy trình CNK
    2. Kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định, quy trình chống nhiễm khuẩn
    3. Tư vấn về chống nhiễm khuẩn cho các khoa phòng và phát hiện những điểm yếu hoặc không an toàn liên quan đến kiểm soát NKBV mà các khoa phòng đang áp dụng
    4. Giám sát dịch tể học NKBV, bao gồm giám sát NKBV và các bệnh có khả năng lây truyền, thông qua việc kiểm tra các khoa phòng, kiểm tra hồ sơ bệnh nhân, xem kết quả vi sinh và tình hình bệnh nhân nhập viện
    5. Triển khai những điều tra đặc biệt để phát hiện dịch trong bệnh viện;
    6. Giám sát, theo dõi và xây dựng biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm nghề nghiệp
    7. Tham gia giám sát và tư vấn việc sử dụng kháng sinh
    8. Phân tích những thông tin về giám sát NKBV và biện pháp kiểm soát NKBV, báo cáo cho hội đồng chống nhiễm khuẩn; và nhân viên y tế có liên quan;
    9. Phối hợp báo cáo những bệnh có khả năng lây nhiễm đến Sở Y tế hoặc Bộ Y tế
    10. Quản lý hóa chất, thiết bị, vật liệu và vật tư, tiêu hao liên quan đến kiểm soát NKBV
    11. Tư vấn cho bộ phận quản trị vật tư về xây dựng, sửa chữa và cải tạo bệnh viện
    12. Tổ chức huấn luyện, xây dựng chương trình giáo dục cho nhân viên y tế về kiểm soát NKBV
    13. Nghiên cứu khoa học
    14. Hợp tác quốc tế
    15. Chỉ đạo tuyến

1.2.2.2 Số lượng nhân sự của khoa chống nhiễm khuẩn

Hội đồng chống nhiễm khuẩn cần đưa ra số lượng thời gian cần phải dành cho việc giám sát, hoạt động kiểm soát và phòng ngừa NKBV.  Số nhân viên và khối lượng công việc sẽ tùy thuộc vào mức độ và khối lượng công việc của mỗi bệnh viện, vào yếu tố nguy cơ nhiễm khuẩn của bệnh nhân, vào sự phức tạp của công tác phục vụ, vào nhu cầu giáo dục nhân viên và vào nguồn lực có sẵn. 

Nghiên cứu SENIC cho thấy rằng tỉ lệ NKBV thấp nhất ở những bệnh viện có ít nhất 1 nhân viên chống nhiễm khuẩn làm việc toàn thời gian cho mỗi 250 giường bệnh. Tuy nhiên có một số ý kiến cho rằng tỉ lệ 1:250 này là không đủ cho những bệnh viện có hoạt động phức tạp. Tại nước ta, dự kiến nhân sự cho bộ phận kiểm soát NKBV (bác sĩ và điều dưỡng) là 1/150 giường kế họach

1.2.3 Mạng lưới chống nhiễm khuẩn

Mạng lưới chống nhiễm khuẩn rất quan trọng để chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn được thành công. Xem sơ đồ 1 về mạng lưới kiểm soát NKBV quốc gia và sơ đồ 2 về  tổ chức mạng lưới chống nhiễm khuẩn trong mỗi bệnh viện theo quy định của Bộ Y Tế Việt Nam.

Trong mạng luới, chú ý rằng đội ngũ chống nhiễm khuẩn cần sự hỗ trợ của các bác sĩ và điều dưỡng lâm sàng và những nhà vi sinh, ví dụ như sự hỗ trợ của các bác sĩ và điều dưỡng tại các khoa phòng tham gia vào mạng lưới chống nhiễm khuẩn. Những chuyên gia vi tính, bộ phận lưu trữ hồ sơ, hành chánh cũng hỗ trợ nhiều trong quá trình tập hợp, phân tích số liệu. Đặc biệt rất cần sự hỗ trợ nhiều từ ban lãnh đạo bệnh viện

Sơ đồ 1: Mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn quốc gia

 

Bộ Y Tế

Ban kiểm soát nhiễm khuẩn của Bộ Y Tế 

 

Sở Y tế

Ban kiểm soát nhiễm khuẩn của Sở Y Tế  tại mỗi tỉnh/ thành phố

 

Bệnh viện/ Trung tâm y tế

Hội đồng chống nhiễm khuẩn của bệnh viện / trung tâm y tế

 

Khoa chống nhiễm khuẩn

 

Mạng lưới chống nhiễm khuẩn ở từng khoa

Sơ đồ 2: Tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện

 

 

 

HỘI ĐỒNG CHỐNG NHIỄM KHUẨN
Chủ tịch: Giám đốc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Khoa chống nhiễm khuẩn

Phòng kế hoạch tổng hợp

Phòng điều dưỡng

Phòng quản trị

Khoa vi sinh

Khoa dược

Khoa hồi sức cấp cứu

Khoa phẫu thuật

Khác

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THƯ KÝ THƯỜNG TRỰC
Khoa chống nhiễm khuẩn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mạng lưới chống nhiễm khuẩn tại từng khoa