Chương 17: Quản lý chất thải rắn

Công tác quản lý chất thải rắn nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường bệnh viện nếu được thực hiện tốt sẽ đạt được một số kết quả quan trọng về nhiều mặt như:

  • Môi trường bệnh viện sạch đẹp chẳng những sẽ mang lại những ấn tượng ban đầu tốt đẹp cho mọi người đến thăm bệnh viện mà còn thể hiện nếp sống văn hóa và trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý bệnh viện.
  • Sự sạch sẽ của bệnh viện sẽ tác động trực tiếp vào chất lượng điều trị và chăm sóc người bệnh, hạn chế được những nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện cũng như giữa bệnh viện với khu dân cư xung quanh. Việc ứng dụng các kỹ thuật điều trị cao trong y học phải gắn liền với việc nâng cao các chuẩn mực về vệ sinh và chống nhiễm khuẩn bệnh viện.
  • Làm tốt công tác quản lý chất thải bệnh viện sẽ tạo ra môi trường thuận lợi giúp bệnh viện chóng bình phục và được thoải mái khi nằm viện. Người bệnh là người đã có những thương tổn về sức khỏe và tâm lý, khả năng thích ứng của họ đối với các kích thích của môi trường xung quanh kém hơn người bình thuờng. Vì vậy, môi trường bệnh viện sạch sẽ, yên tĩnh, thoải mái sẽ giúp cho người bệnh yên tâm điều trị, tạo điều kiện cho họ nhanh chóng phục hồi sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
  • Bệnh viện là nơi người bệnh và người thân của họ có mặt và đến thăm hàng ngày, nếu bệnh viện sạch đẹp, có nề nếp vệ sinh tốt sẽ là tấm gương để cho mọi người học tập noi theo. Bởi vì thời gian ở bệnh viện là lúc người dân dễ tiếp thu nhất những lời khuyên bảo của thầy thuốc, của điều dưỡng và nhân viên y tế khác về phòng bệnh, chữa bệnh, giữ gìn nếp sống vệ sinh và bảo vệ môi trường sống.
  • Quản lý chất thải rắn tốt  sẽ đảm bảo an toàn lao động nghề nghiệp cho nhân viên trong bệnh viện.

Hệ thống quản lý hành chính trong công tác quản lý chất thải rắn đòi hỏi nhiều bộ phận trong bệnh viện cùng phối hợp nhịp nhàng với nhau giúp cho công tác quản lý tốt. Việc thực hiện tốt xử lý chất thải rắn tại bệnh viện cần có sự tham gia của tất cả mọi người, từ ban lãnh đạo bệnh viện, các trưởng phó khoa và nhân viên y tế tại các khoa phòng, nhân viên thực hiện trực tiếp thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Do đó, cần lập kế hoạch quản lý chất thải y tế, tổ chức huấn luyện cho cán bộ, công nhân viên hiểu rõ công tác quản lý cũng như xử lý chất thải y tế và tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ hay đột xuất  và đề xuất khen thưởng hoặc kỷ luật.

Mọi chất thải phát sinh trong môi trường bệnh viện cần được quản lý theo đúng "Quy chế quản lý chất thải” do Bộ Y Tế ban hành 28/8/1999 nhằm làm giảm thiểu các nguy cơ lây nhiễm sang người bệnh, nhân viên y tế và ra ngoài cộng đồng từ các chất thải lây nhiễm trong bệnh viện. Người làm phát sinh chất thải phải tiến hành phân loại ngay, thu gom và thải bỏ vào đúng nơi, vào đúng các phương tiện đã quy định. Hệ thống quản lý hành chính trong công tác quản lý chất thải rắn tại bệnh viện bao gồm sự phối hợp của các phòng ban trong bệnh viện, gồm ban lãnh đạo bệnh viện, khoa Chống nhiễm khuẩn, phòng Quản trị, và tất cả các khoa phòng trong bệnh viện.

Công nghệ xử lý chất thải rắn bệnh viện là các hoạt động kiểm soát chất thải trong suốt quá trình từ khi chất thải phát sinh đến khi tiêu hủy bao gồm: 5 khâu chức năng theo sơ đồ 17.1

Sơ đồ 17.1.     Các khâu trong xử lý chất thải rắn


17.1 Phân loại chất thải rắn

Theo Quy chế quản lý chất thải của Bộ y tế, chất thải rắn trong bệnh viện được phân thành 5 loại:
Chất thải sinh hoạt.
Chất thải lâm sàng.
Chất thải phóng xạ.
Chất thải hóa học.
Các bình chứa khí có áp suất.

Mọi nhân viên y tế phải phân loại và bỏ chất thải vào trong các túi, thùng, hộp thu gom chất thải thích hợp (Sơ đồ 17-2, Bảng 17-1)
Phân loại chất thải y tế nguy hại và chất thải sinh hoạt phải ngay tại nguồn phát sinh chất thải.

Hướng dẫn phân loại chất thải (sơ đồ 17-2)

Mỗi khoa phòng cần được trang bị các loại thùng rác màu khác nhau đặt tại những vị trí  thích hợp. Các thùng rác phải có nắp đậy, có chân đạp và dễ cọ rửa. Các thùng được lót các túi nylon đúng màu quy định (xanh, vàng, đen). Trên túi có vạch ghi rõ “không đựng quá vạch này” ở mức 2/3 túi. Có dây buộc đi theo túi. Bơm tiêm và vật sắc nhọn được phân loại riêng và cho vào thùng đựng vật sắc nhọn theo đúng quy định của bộ y tế.
Thùng, túi nilon màu xanh: đựng chất thải sinh hoạt bao gồm: giấy, báo, tài liệu, khăn, gạc, các đồ dùng và các vật liệu y tế chăm sóc người bệnh không dính máu… thức ăn thừa, vật liệu đóng gói, hoa, lá cây, rác quét dọn từ các sàn nhà(trừ chất thải thu gom từ các buồng cách ly) và từ các khu vực ngoại cảnh.
- Thùng, túi nilon màu vàng: để thu gom các loại chất lâm sàng không sắc nhọn bao gồm:
+ Những vật liệu bị thấm máu, thấm dịch cơ thể và các chất bài tiết của người bệnh (băng, bông, gạc, dây truyền dịch, ống dẫn lưu…)

+ Môi trường nuôi cấy và các dụng cụ lưu giữ các tác nhân lây nhiễm ở trong phòng xét nghiệm, các đĩa nuôi cấy bằng nhựa và các dụng cụ sử dụng để cấy chuyển, phân lập…
+ Chất thải dược phẩm: dược phẩm quá hạn, dược phẩm bị nhiễm khuẩn, các thuốc gây độc tế bào, các loại huyết thanh, vaccin sống và vaccin giảm độc lực cần thải bỏ.
+ Các mô và các tổ chức, phủ tạng của cơ thể (dù nhiễm khuẩn hay không nhiễm khuẩn).
+ Các chất thải của động vật, xác xúc vật bị nhiễm hoặc được tiêm các tác nhân lây nhiễm
+ Mọi loại chất thải phát sinh từ các buồng cách ly.
- Thùng, hộp màu vàng đựng các vật sắc nhọn: để thu gom các chất thải lâm sàng sắc nhọn như: kim tiêm, bơm tiêm kèm hoặc không kèm kim tiêm, dao mổ, pipet Pasteur, các lam kính xét nghiệm, đĩa nuôi cấy bằng thủy tinh, các lọ thủy tinh dính máu hay các vật sắc nhọn khác…
- Thùng, túi màu đen: để thu gom các chất thải hoá học và chất thải phóng xạ.
+ Chất thải hóa học: kim, lọ thủy tinh đựng chất thải hóa học, thuốc hóa trị.
+ Chất thải phóng xạ: các dụng cụ có dính chất phóng xạ phát sinh trong quá trình chẩn đoán và điều trị như kim tiêm, ống nghiệm, chai lọ đựng chất phóng xạ, dụng cụ chứa nước tiểu của người bệnh đang điều trị chất phóng xạ…

Nơi đặt các túi và thùng đựng chất thải

  • Các khoa phòng phải được trang bị đầy đủ phương tiện thu gom chất thải sinh hoạt và để ở nơi thuận tiện nhất
  • Trên xe tiêm và xe làm thủ thuật phải được trang bị đầy đủ phương tiện để thu gom chất thải sinh hoạt, lâm sàng và chất thải sắc nhọn.
  • Mỗi khoa phòng cần bố trí một nơi riêng, có đủ phương tiện để lưu giữ tập trung các chất thải theo từng loại.
  • Hộp, túi đựng chất thải rắn và các vật sắc nhọn cần trang bị nhiều kích cỡ phù hợp.
  • Các thùng thu gom chất thải ở khu vực buồng bệnh phải luôn khô ráo và được cọ rửa thường xuyên. Bên trong mỗi thùng thu gom chất thải luôn được đặt túi nilon có màu sắc tương ứng với màu sắc của thùng. Không được bỏ trực tiếp các chất thải vào các thùng thu gom chất thải chưa được đặt túi nilon ở bên trong.

17.2 Thu gom và vận chuyển chất thải

  1. Chất thải từ các khoa, phòng phải được thu gom và vận chuyển về nơi tập trung chất thải của bệnh viện.
  2. Nhân viên vệ sinh (hộ lý hoặc nhân viên Dussmann) chịu trách nhiệm thu gom các chất thải từ nơi phát sinh tới nơi tập trung chất thải của khoa phòng.  Khi rác đầy ở mỗi thùng rác , nhân viên vệ sinh cột túi, mang vào một khu vực chứa rác của khoa.
  3. Hàng ngày đội vệ sinh đến nhận rác tại mỗi khoa, mang rác đi bằng xe kéo tay đậy kín đến nhà chứa rác tập trung của bệnh viện. Xe vận chuyển rác từ các khoa phòng đến nơi thu gom chất thải theo đúng giờ quy định (5h sáng, 11h30’ trưa, 18h tối).
  4. Chất thải được thu gom và chuyển bằng xe chuyên dụng, phải có xe vận chuyển riêng cho từng loại rác thải: xe rác sinh hoạt và xe rác y tế.
  5. Các túi rác được nạp vào các thùng rác 240lít tại nhà thu gom rác.
  6. Rác y tế nguy hại được đóng gói trong các thùng hoặc trong các hộp carton trong quá trình vận chuyển ra ngoài bệnh viện.

Chú ý khi vận chuyển:

  1. Tránh vận chuyển chất thải qua các khu vực chăm sóc người bệnh và các khu vực sạch khác.
  2. Các phương tiện vận chuyển phải được cọ rửa ngay sau khi vận chuyển chất thải và phải có logo đúng theo quy định.
  3. Nhân viên vận chuyển chất thải phải mang bảo hộ theo đúng quy định.
  4. Đối với các chất thải y tế nguy hiểm có nguy cơ lây nhiễm cao từ phòng xét nghiệm, phòng điều trị người bệnh nhiễm quan trọng (chất thải nhóm C, đàm tại khoa của bệnh nhân lao), bệnh viện đều thực hiện xử lý ban đầu bằng hóa chất hay bằng autoclave trước khi thu gom đến nơi tập trung chất thải.
  5. Các chất thải phóng xạ phải được thu gom và xử lý theo đúng pháp lệnh an toàn và kiểm soát bức xạ và các quy định hiện hành của nhà nước. Các chất thải phóng xạ dạng rắn như bơm tiêm, lọ, găng tay có phóng xạ được phân làm 2 nhóm theo thời gian bán rã, được để riêng bảo quản trong kho đợi qua từ 8 -10  chu kỳ bán rã của loại đồng vị đó và sau đó được hủy như chất thải lâm sàng.

Sơ đồ 17.2 Quy trình xử lý chất thải bệnh viện


17.3 Lưu trữ và tiêu hủy chất thải

Bệnh viện bố trí một khu vực nhà rác riêng, có đủ điều kiện và phương tiện để lưu giữ tập trung toàn bộ chất thải theo từng loại. Nhà chứa rác cần đảm bảo một số quy chế như:
- cách xa nơi chuẩn bị đồ ăn, xa nơi công cộng và lối đi
- có phân chia chất thải y tế riêng biệt với chất thải sinh hoạt
- có tường xây xung quanh, có mái che, có cửa có khóa 
- có trang bị đầy đủ phương tiện rửa tay, bảo hộ cá nhân, có các vật dụng và hóa chất cần thiết để làm vệ sinh và xử lý chất thải

Chất thải sinh hoạt và chất thải y tế sau khi lưu trữ tại nhà chứa rác của bệnh viện sẽ được chuyển đi hủy 2lần/ngày.

Chất thải y tế được giữ lạnh và Công ty môi trường đô thị vận chuyển đến lò đốt Bình Hưng Hoà để được đốt hàng ngày, thời gian lưu giữ  tối đa của rác y tế là 48 giờ. Chất thải sinh hoạt được chuyển tới bãi rác của Thành phố mỗi ngày theo hợp đồng của bệnh viện với Công ty vệ sinh môi trường .

Có hồ sơ vận chuyển chất thải: có hệ thống sổ sách theo dõi lượng chất thải phát sinh và phiếu theo dõi lượng chất thải được chuyển tiêu hủy hàng ngày. Phiếu vận chuyển bao gồm các mục: khối lượng chất thải phát sinh, khối lượng chất thải được vận chuyển tiêu hủy, tên và chữ ký người giao - người nhận - người tiêu hủy chất thải.

Đối với mô và các tổ chức, phủ tạng của người, động vật (dù có nhiễm khuẩn hay không nhiễm khuẩn) phải được chuyển đi thiêu đốt ngay hoặc chuyển tới nghĩa trang để chôn lấp.


17.4 Vấn đề an toàn trong công tác quản lý chất thải

Sự nguy hại đối với sức khỏe của nhân viên y tế trong việc xử lý chất thải là sự ảnh hưởng do độc tính của các chất liên quan tới sự tiếp xúc, điều đó có thể xảy ra trong quá trình vận chuyển hoặc tiêu hủy chất thải. Việc sử dụng các trang thiết bị bảo hộ cá nhân giúp người làm việc phòng tránh các nguy cơ đối với các chất lây nhiễm. Do đó để bảo đảm tính an toàn cho các nhân viên y tế trong công tác quản lý chất thải, bệnh viện có cung cấp đủ găng tay phòng hộ, có đủ ủng và giầy phòng hộ cho nhân viên vệ sinh khi cần sử dụng.
Tất cả nhân viên vệ sinh khi thi hành nhiệm vụ đều yêu cầu phải mang phòng hộ, bị kiểm điểm nếu phát hiện không thực hiện đúng quy định.


Bảng 17-1 Phân loại và thu gom chất thải bệnh viện