Vai trò của CT liều thấp (LDCT) trong sàng lọc ung thư phổi

Ths. Bs. Đào Nguyễn Hằng Nguyên

Khoa Hóa Trị-Trung Tâm Ung Bướu-Bệnh viện Chợ Rẫy

 

Ung thư phổi là bệnh lý ung thư thường gặp nhất và cũng là nguyên nhân tử vong do ung thư hàng đầu. Với gánh nặng chi phí do điều trị ung thư, việc tầm soát khi chưa có triệu chứng đem lại hiệu quả cao cả về vấn đề kinh tế và khả năng chữa lành bệnh khi phát hiện sớm. Xét nghiệm duy nhất được khuyến cáo cho tầm soát ung thư phổi là chụp CT liều thấp (Low-dose CT- LDCT). Trong khi chụp LDCT bệnh nhân chỉ cần nằm trên bàn chụp và máy X-quang dùng lượng phóng xạ liều thấp để chụp hình phổi. Cả quá trình chỉ kéo dài khoảng vài phút và không gây đau đớn.


1.   Đối tượng nào nên thực hiện sàng lọc ung thư phổi?

Theo khuyến cáo của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ1 nên chụp LDCT hàng năm cho đối tượng sau:

-       Tiền sử hút thuốc 20 gói – năm (là người hút ít nhất 1 gói/ ngày trong 20 năm hoặc ½ gói/ ngày trong 10 năm)

-       Còn hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc trong 15 năm

-       Độ tuổi 50-80 tuổi

2.   Nguy cơ có thể xảy ra khi sàng lọc:

Sàng lọc ung thư phổi sẽ có 3 nguy cơ

-       Kết quả dương tính giả (test sàng lọc gợi ý ung thư nhưng bệnh nhân không mắc bệnh) điều này có thể dẫn đến việc theo dõi và phẫu thuật không cần thiết

-       Sàng lọc có thể phát hiện những trường hợp ung thư mà có thể không gây vấn đề cho bệnh nhân. Chẩn đoán quá mức này có thể dẫn đến điều trị không cần thiết

-       Tiếp xúc thường xuyên tia X-quang có thể gây ung thư

Đây cũng là lý do tại sao sàng lọc ung thư phổi chỉ được khuyến cáo cho những trường hợp như đã nói trên.

3.   Khi nào không cần sàng lọc:

-       Trên 81 tuổi hoặc

-       Đã ngừng hút thuốc lá > 15 năm hoặc

-       Tình trạng sức khỏe kém làm bệnh nhân không thể hoặc không có khả năng phẫu thuật nếu ung thư được phát hiện

Tầm soát ung thư phổi bằng LDCT giúp bác sĩ có thể phát hiện những tổn thương nhỏ nhất trong phổi mà X-quang thông thường có thể bỏ sót. Tầm soát giúp chẩn đoán phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, giúp bệnh nhân có nhiều lựa chọn điều trị và cơ hội sống sót cao hơn2. Cùng với tầm soát, cách tốt nhất để phòng ngừa ung thư phổi vẫn là ngừng hút thuốc lá và tránh hút thuốc lá thụ động. Tầm soát không thay thế cho việc ngừng hút thuốc lá

 

Tài liệu tham khảo:

1.    Mazzone PJ, Silvestri GA, Souter LH, Caverly TJ, Kanne JP, Katki HA, Wiener RS, Detterbeck FC. Screening for lung cancer: CHEST guideline and expert panel report.external icon Chest 2021;S0012-3692(21)01307-6

2.    Nawa T.Low-dose CT screening for lung cancer reduced lung cancer mortality in Hitachi City.Int J Radiat Biol. 2019; 95: 1441-144


Các Tin Khác