Nhằm kịp thời cập nhật những kiến thức mới, bắt kịp với tình hình thực tế và đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hợp lý trên người bệnh, ngày 27/10, tại TP.HCM, Trung tâm đào tạo phối hợp cùng Trung tâm DI&ADR khu vực TPHCM bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức Hội nghị Cảnh giác Dược khu vực phía Nam với chủ đề: “Cảnh giác dược trong cấp cứu người bệnh ngộ độc và điều trị bệnh nhân ung bướu bằng phương pháp sinh học”.

Hội nghị có sự tham dự của PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế; PGS TS Nguyễn Trường Sơn – Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế.


Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, PGS TS Lâm Việt Trung – Phó Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Trong thời gian qua, một số trường hợp ngộ độc khí, ngộ độc botulinum hay rắn cắn cần sử dụng thuốc giải độc đặc hiệu thường xuyên xảy ra và được truyền thông cập nhật. Theo thống kê, hàng năm tại bệnh viện Chợ Rẫy có gần 2.000 trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc như rắn cắn, thuốc tân dược, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm và cả những trường hợp ngộ độc chất không xác định. Do đó, theo quy định của Bộ Y tế, việc hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc, thuốc giải độc đặc hiệu đóng vai trò quan trọng trong điều trị các trường hợp ngộ độc. Bên cạnh đó, theo số liệu Globocan 2020, tại Việt Nam số lượng ca ung thư mắc mới là 182.563, số lượng ca tử vong là 122.690. Do đó, nhu cầu điều trị và dùng thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam là khá lớn. Với sự ra đời của nhiều loại thuốc mới trong điều trị ung thư, đặc biệt là các thuốc sinh học đã giúp kéo dài thời gian sống còn và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Tuy nhiên, do giá thành cao nên chưa có nhiều bệnh nhân có khả năng tài chính để sử dụng thuốc. Nhằm giúp cho các bệnh nhân ung thư có thể đáp ứng điều trị và ít tốn chi phí hơn thì việc đưa nhiều thuốc sinh học tương tự vào sử dụng trong điều trị thay thế thuốc sinh học tham chiếu là nhu cầu rất cấp bách.

Dựa trên những nghiên cứu thực tế, với sự tham dự và trình bày của các báo cáo viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực dược, thực hành y khoa, chương trình năm nay đã khái quát trọng điểm những hoạt động liên quan trong thực hành Cảnh giác dược tại Bệnh viện. Bên cạnh chia sẻ về “Nhu cầu thuốc giải độc tại bệnh viện tuyến cuối; Kinh nghiệm sử dụng thuốc BAT; Cảnh giác dược với thuốc sinh học/sinh học tương tự”, các báo cáo viên còn trình bày những kinh nghiệm liên quan đến “Khía cạnh an toàn sử dụng thuốc pembrolizumab và bevacizumab; Vai trò của dinh dưỡng trong chăm sóc bệnh nhân điều trị ung thư”.





Có thể nói, Hội nghị Cảnh giác dược khu vực phía Nam là một cơ hội quý báo để các dược sĩ trên toàn quốc tham gia, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và cập nhật các kiến thức mới trong thực hành, đào tạo và nghiên cứu dược lâm sàng. Sự giao lưu và kết nối này là điểm đặc biệt quan trọng của hội nghị để cùng chung tay bảo vệ sức khoẻ người bệnh và cộng đồng.