Ứng phó với bệnh bạch hầu – Phòng ngừa hơn điều trị

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính ở cổ họng và đường hô hấp trên, có thể gây nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân, khiến người bệnh có nguy cơ tử vong cao. Ngoài ra, thời gian mầm bệnh tồn tại ở người lành có thể kéo dài lên đến 3-4 tuần nhưng không biểu hiện triệu chứng, điều này khiến bệnh dễ lan rộng trong cộng đồng, lây nhiễm cho nhóm có sức đề kháng kém như trẻ em, phụ nữ có thai, người cao tuổi, người có bệnh lý nền và tỷ lệ tử vong có thể lên đến 40%.
Ở nước ta, bạch hầu tuy không phải là bệnh mới nhưng số ca mắc bệnh trong vài năm trở lại đây vẫn tăng rồi lại giảm, sau đó lại tiếp tục tăng. Theo Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 6 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó đã có 1 trường hợp tử vong. Cụ thể, có 3 ca mắc tại Hà Giang (tháng 1, 2, 4) tại các ổ dịch cũ, 1 ca mắc và tử vong tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An (tháng 6) và 2 ca mắc tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (tháng 7/2024).
Chính vì vậy, việc mỗi người có được vốn kiến thức cần thiết về căn bệnh này và phát hiện kịp thời các triệu chứng bệnh có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ bản thân, người xung quanh và giảm thiểu tối đa khả năng lây lan trong cộng đồng.
Hôm nay, những thông tin quan trọng về căn bệnh bạch hầu sẽ được TS BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục cung cấp và chia sẻ cũng như giải đáp những thắc mắc thường gặp của quý bạn đọc về căn bệnh bạch hầu nguy hiểm này.
HỎI: Thế nào là bệnh bạch hầu và biểu hiện của bệnh như thế nào?
ĐÁP:

Bệnh bạch hầu là bệnh có khả năng gây ra dịch nhưng khác với các loại dịch do vi rút gây ra, căn bệnh này lại là do vi khuẩn gây ra. Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc do trực khuẩn Gram (+) Corynebacterium diphtheria là tác nhân. Bệnh có nhiều thể bệnh như bạch hầu mũi, họng, thanh quản, da… nhưng nguy hiểm nhất là ở thể hạch hầu hầu họng và thanh quản do có thể gây ra hoại tử, phù nề đường thở dẫn tới suy hô hấp. Ngoài ra, bệnh cũng có khả năng dẫn đến các biến chứng nặng như viêm cơ tim, viêm đa dây thần kinh, tổn thương thận cấp…và tỷ lệ tử vong khoảng từ 5% đến 40%.
Bệnh có các dấu hiệu lâm sàng điển hình bao gồm:
- Sốt đột ngột, đau họng, ho khan
- Vùng hầu họng có đóng lớp giả mạc màu trắng ngà, dai, dính, bóc dễ chảy máu
- Hạch cổ sưng to, đau tạo thành cổ bạnh
- Khàn giọng, chảy nước mũi họng


HỎI: Phương thức lây lan chính của bệnh và đối tượng nào thường sẽ dễ bị mắc bệnh bạch hầu?
ĐÁP:

Bệnh bạch hầu có thể lây từ người sang người, qua đường hô hấp bằng con đường tiếp xúc trực tiếp và lây qua đường gián tiếp (tiếp xúc với những đồ vật dính chất bài tiết chứa vi khuẩn) nhưng tỷ lệ thấp hơn.
Các đối tượng dễ bị mắc bệnh bao gồm:
- Trẻ từ 1-9 tuổi
- Không tiêm chủng đầy đủ hoặc cư trú ở vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp
- Tiếp xúc với bệnh nhân, hộ gia đình, khu phố, lớp học… có người bị bệnh bạch hầu
HỎI: Như vậy, làm thế nào để phòng ngừa được căn bệnh này?
ĐÁP:

Về bệnh bạch hầu, cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vắc xin đầy đủ. Vì khi đó, khả năng miễn dịch đối với bạch hầu rất cao và tỷ lệ có thể mắc bệnh gần như là 0%.
Đối với trẻ em:
Lần lượt tiêm 3 mũi vắc xin vào lúc 2,3 và 4 tháng tuổi -> Mũi thứ 5 sẽ tiêm vào lúc 4-6 tuổi -> Mũi 6 vào lúc 15 tuổi.
Đối với người lớn:
Người đã có tiền sử tiêm vắc xin đủ : có thể tiêm nhắc lại mỗi 10 năm/lần.
Với người chưa từng tiêm hoặc không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng thì cần tiêm 3 mũi cơ bản:
Mũi 1 vào lần đầu tiên tiêm → Mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng → Mũi 3 cách mũi 2 tối thiểu 6 tháng → Tiếp tục tiêm nhắc lại mỗi 10 năm/lần
Bên cạnh đó, người dân cũng cần phải lưu ý:
Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; Che miệng khi hắt hơi hoặc ho; Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.
Đảm bảo không gian nhà ở, trường học, các nơi công cộng sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.
Với những người xuất hiện các triệu chứng mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Người dân sống trong vùng có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc khám chữa bệnh cũng như các chỉ định phòng bệnh của cơ sở y tế.
HỎI: Nếu không may có tiếp xúc với người bị bệnh bạch hầu thì tôi cần phải làm gì?
ĐÁP:

Người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh là người sống trong cùng một gia đình, tiếp xúc gần hoặc đã chăm sóc cho người được xác định bị bệnh bạch hầu…
Một điều rất đặc biệt của căn bệnh này so với các bệnh do vi rút gây ra là khi đã tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân bị bạch hầu, người tiếp xúc vẫn có thể sử dụng kháng sinh để phòng ngừa. Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới nói chung cũng như Bộ Y tế Việt Nam nói riêng chấp nhận 3 phác đồ điều trị phòng ngừa, đó là:
- Uống Erythromycin: Trẻ em (40mg/kg/ngày, 10mg/lần cách 6 giờ); Người lớn (1g/ngày, 250mg/lần mỗi 6 giờ) trong vòng 7 ngày.
- Hoặc uống Azithromycin: Trẻ em (10-12mg/kg – 1 lần/ngày; tối đa 500mg/ngày); Người lớn (500mg/ngày) trong vòng 7 ngày
- Tiêm 1 liều đơn Benzathine penicillin (trẻ ≤ 5 tuổi 600.000 đơn vị; trẻ > 5 tuổi 1.200.000 đơn vị)


Một điều cần phải lưu ý là dù có thể sử dụng kháng sinh để phòng ngừa khả năng bị mắc bệnh, người tiếp xúc vẫn được xem là đối tượng đã bị phơi nhiễm. Vì vậy, người tiếp xúc không nên tự điều trị tại nhà một cách đơn thuần mà cần chủ động thông báo cho cơ sở y tế gần nhất. Từ đó, nhân viên y tế sẽ có phác đồ điều trị bằng kháng sinh phù hợp và theo dõi trong vòng 7 ngày liên tục, phòng ngừa nguy cơ bị phát bệnh.

Các Tin Khác
WEBSITE LIÊN KẾT
Thu gọn