Chia sẻ của những nhân viên y tế bệnh viện chợ rẫy có thâm niên trực tết hơn 1 thập kỷ

 

 

Em yêu công việc này nên dù có phải trực Tết hay không cũng không quan trọng ạ” - điều dưỡng Hoàng Thúy Huyền - một trong những điều dưỡng có thâm niên trực tết hơn 12 năm - mỉm cười khi nói về lịch trực tết Giáp Thìn 2024. Tốt nghiệp ra trường và gắn bó với công việc chăm sóc bệnh nhân hơn 1 thập kỷ qua, điều dưỡng Thúy Huyền có cơ hội trải nghiệm công việc ở nhiều chuyên khoa nhưng đã chọn khoa Chăm sóc giảm nhẹ là nơi gắn bó. Khi được hỏi vì sao chọn nơi “sinh tử mong manh” này, nữ điều dưỡng nở nụ cười hiền hậu: “Ở khoa này, em học được nhiều bài học cho bản thân, biết cảm thông và bỏ qua cho những cảm xúc tiêu cực từ người bệnh, vì em biết, họ đã quá đau đớn và không may khi mắc phải bệnh tật thế này…”. 


Đàn em và là đồng nghiệp của Thúy Huyền - bác sĩ Nguyễn Tuấn Nhật – một bác sĩ trẻ vừa “gia nhập” ekip nhân viên y tế trực Tết của khoa Chăm sóc giảm nhẹ, ngồi bên cạnh cũng chia sẻ niềm vui khi được tự tay giúp bệnh nhân giảm nhẹ cơn đau: “Sáng mai ra trực, em sẽ lên xe về quê, vẫn còn kịp ăn Tết cùng ba mẹ ạ”.
Cùng điều dưỡng và bác sĩ trực đi kiểm tra 1 vòng các buồng bệnh trước khi họp ekip, Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Song Toàn – khoa Chăm sóc giảm nhẹ, người cũng có thâm niên trực Tết hơn 15 năm, cho biết, nơi đây chuyên tiếp nhận bệnh nhân “nặng” và các bệnh nhân cần nâng đỡ sức khỏe để tiếp tục liệu trình điều trị. Cũng như các khoa điều trị nội trú khác, khoa Chăm sóc giảm nhẹ của bệnh viện Chợ Rẫy vẫn “luôn sáng đèn” trong những ngày nghỉ Tết vì “ở đây còn rất nhiều bệnh nhân cần chúng tôi”.

 

 

VÌ ĐÓ LÀ THỜI ĐIỂM BỆNH NHÂN CẦN CHÚNG TÔI NHẤT!
Rời khoa Chăm sóc giảm nhẹ, chúng tôi đến khoa Cấp cứu - nơi “đầu sóng ngọn gió” căng mình tiếp nhận bệnh nhân trong những ngày nghỉ Tết. Trưởng tua trực của khoa Cấp cứu lúc này là BS Huỳnh Thị Nhung – một bác sĩ có thâm niêm trực Tết hơn 13 năm, đang thoăn thoắt thăm khám cho bệnh nhân rồi thoăn thoắt quay lại kiểm tra, cho chỉ định, ký hồ sơ. Nói về những ngày trực Tết, bác sĩ Nhung chia sẻ “Khi lựa chọn công việc này, tôi biết chuyện trực Tết là điều không thể tránh khỏi. Thế nên, dù có chút chạnh lòng khi không thể tận hưởng trọn vẹn không khí Tết cùng gia đình thì tôi vẫn mong có thể giúp được cho các bệnh nhân. Vì tôi biết, ngày Tết, ai cũng muốn sum họp bên gia đình nên chuyện phải vào bệnh viện điều trị là điều bất khả kháng và đó là thời điểm mà họ cần chúng tôi nhất.”

Không may phải nhập viện điều trị tại khoa Hồi sức Cấp cứu trong ngày 29 Tết, bệnh nhân N.N. N (82 tuổi), bùi ngùi nhìn những trang thiết bị đang được gắn vào cơ thể mình rồi cất giọng khe khẽ hỏi chị điều dưỡng đang chuẩn bị thuốc: “Ngày mai là giao thừa rồi phải không con? Điều dưỡng Kim Hạnh – người có thâm niên 30 năm trực Tết – nhẹ nhàng cất lời động viên “Dạ, chuẩn bị giao thừa rồi, bác yên tâm giao thừa có tụi con ở đây nha”… Gắn bó với công việc hơn 30 năm thì điều dưỡng Kim Hạnh có 30 năm đi trực Tết, chị nói: “Bùi ngùi chứ, giao thừa nhà nhà sum họp bên gia đình còn mình thì quay cuồng với công việc. Nhưng mà bước qua cánh cửa vào Khoa thì mình cũng quên hết không khí Tết, chỉ thấy bệnh nhân đang cần mình, vậy nên bao nhiêu chạnh lòng, tủi thân đi hết trơn.
Chia tay ekip trực của khoa Hồi sức Cấp cứu khu B, chúng tôi tiếp tục ghi nhận hành trình đi qua mùa Tết của các nhân viên y tế, mà không quên ánh mắt ngân ngân nước của chị Kim Hạnh khi nói về các đàn em của mình: “Vất vả vậy chứ các em ở đây không bao giờ muốn thay đổi công việc này đâu. Có lẽ, em nào cũng hiểu, đó cũng là công việc thiêng liêng trong những thời khắc đặc biệt mà nhân viên y tế nào cũng sẽ trải qua…”
Các Tin Khác
WEBSITE LIÊN KẾT
Thu gọn