ThS. BS Võ Nguyên Bảo
Ung thư phổi đứng thứ hai về số ca mới mắc và tử vong tại Việt Nam tính chung cho cả hai giới, chỉ sau ung thư gan. Một phần lý giải cho nguy cơ tử vong cao là phần lớn khi phát hiện ra ung thư phổi thì bệnh đã ở giai đoạn tiến xa hoặc di căn. Kể cả ở các nước phát triển, việc phát hiện ra ung thư phổi cũng đa phần ở giai đoạn tiến xa di căn. Khi khối u phổi không còn khu trú tại chỗ nữa thì việc điều trị trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi phối hợp nhiều mô thức điều trị, tốn kém, nhiều tác dụng phụ cũng như nguy cơ tái phát cao hơn.
Câu hỏi đặt ra là nếu phát hiện sớm hơn thì khả năng chữa khỏi như thế nào?
Đã có nhiều báo cáo trên số lượng lớn bệnh nhân cho thấy phát hiện bệnh càng sớm thì khả năng sống sót càng cao. Sống còn của bệnh phụ thuộc nhiều vào giai đoạn bệnh được chẩn đoán, điều trị tối ưu và theo dõi sau đó.
Như chúng ta thấy trên bảng số liệu thống kê, khả năng để một người sống thêm sau 2 năm khi được chẩn đoán ở giai đoạn IA1 là 97% và sau 5 năm là 92%. Con số này giảm xuống rất thấp nếu như bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn IV, cụ thể giai đoạn IVB khả năng sống thêm là 10% sau 2 năm và 0% sau 5 năm.
Như vậy, việc phát hiện bệnh ung thư phổi ở giai đoạn sớm là rất quan trọng, quyết định lớn đến kết quả của việc điều trị bệnh cũng như tiên lượng sống còn.
Các yếu tố nguy cơ của ung thư phổi gồm: hút thuốc, tiền sử bản thân mắc ung thư, người thân trực hệ mắc ung thư phổi, tiền sử tiếp xúc phóng xạ radeon, các chất abestos, thạch tín…
Các triệu chứng chính của ung thư phổi bao gồm:
- Ho còn dai dẳng không hết sau 2 hoặc 3 tuần
- Ho lâu ngày và càng trở nên nặng hơn
- Viêm phổi tái đi tái lại
- Ho ra máu
- Đau khi thở hoặc ho
- Khó thở dai dẳng
- Khò khè kéo dài
- Mệt mỏi kéo dài, cảm thấy cơ thể thiếu năng lượng
- Chán ăn hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân
Tầm soát ung thư phổi là phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm trước khi xuất hiện các triệu chứng trên. Việc tầm soát được đặt ra cho những bệnh nhân có nguy cơ cao bị ung thư phổi. Những bệnh nhân từ 50 tuổi trở lên có tiền sử hút thuốc lá nhiều (20 gói-năm) nên tầm soát ung thư phổi hàng năm.
Tóm lại, ung thư phổi là căn bệnh thường gặp với tỉ lệ tử vong cao. Tuy nhiên nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm thì khả năng sống còn và chữa khỏi sẽ cao hơn.
Tài liệu tham khảo
1. https://gco.iarc.fr/today/data/factsheets/populations/704-viet-nam-fact-sheets.pdf
2. Goldstraw P, Chansky K, Crowley J, et al. The IASLC Lung Cancer Staging Project: Proposals for Revision of the TNM Stage Groupings in the Forthcoming (Eighth) Edition of the TNM Classification for Lung Cancer. J Thorac Oncol. 2016;11(1):39–51
3. Lung Cancer Screening. NCCN Guidelines Version 1.2022