UNG THƯ PHỔI – NHỮNG QUAN NIỆM VÀ SỰ THẬT

Ths. BS Trần Hoàng Hiệp

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính khởi phát từ phổi thuộc hệ hô hấp, biểu hiện bởi khối u xuất hiện trong hệ thống đường dẫn khí hay nhu mô phổi, lớn nhanh, chèn ép các cơ quan xung quanh gây triệu chứng ho, khó thở, đau ngực, bệnh tiến triển nặng di căn làm bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời thì ung thư phổi có thể được kiểm soát tốt cũng như có thể chữa khỏi hoàn toàn. Hiện nay, có vài quan niệm “dân gian” hiểu sai về bệnh lý này, cùng điểm qua vài quan niệm thường gặp:

 

Quan niệm: Chỉ những người hút thuốc lá mới mắc ung thư phổi

Sự thật: Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi rất cao, tuy nhiên, họ không phải là những người duy nhất có nguy cơ mắc bệnh. Cấu tạo di truyền hoặc tiền sử gia đình có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc ung thư phổi. Ngoài ra, tiếp xúc với các chất như amiăng, radon, uranium, asen và khói thuốc lá thụ động cũng có thể làm tăng khả năng mắc bệnh.

 

Quan niệm: Bị ung thư phổi tức là sẽ đối mặt với cái chết

Sự thật: Ung thư phổi tuy là căn bệnh nguy hiểm nhưng không phải là “án tử hình” đối với mọi bệnh nhân. Nếu được phát hiện và điều trị sớm thì cơ hội điều trị khỏi và sống sót của bệnh nhân rất cao. Trong trường hợp không di căn, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư phổi có thể lên tới 60%. Khi ung thư đã di căn sang các cơ quan khác, tỷ lệ sống cho người bệnh chỉ khoảng 20%. Vì vậy cần chú ý đến sức khỏe để có thể phát hiện được bệnh ở giai đoạn sớm nhất. Và hiện nay với nhiều tiến bộ trong điều trị, những trường hợp ung thư phổi giai đoạn cuối vẫn có thể điều trị sống khỏe trong nhiều năm.

Bệnh nhân ung thư phổi đang được thực hiện xạ trị kỹ thuật cao tại khoa Xạ trị - TT Ung bướu Chợ Rẫy trong liệu trình điều trị đa mô thức kết hợp hóa trị và miễn dịch (một trong những phương pháp điều trị ung thư phổi tiến bộ nhất hiện nay)

 

Quan niệm: Ung thư phổi có thể lây cho người khác

Sự thật: Nhiều người nghĩ rằng ung thư phổi dễ lây nên có xu hướng né tránh bệnh nhân. Tuy nhiên, quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Điều này có thể dẫn đến tâm lý mặc cảm, tự ti ở người bệnh, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả điều trị và quá trình hồi phục. Các nhà khoa học đã khẳng định bệnh ung thư phổi không lây nên mọi người không nên tiếp tục kỳ thị, xa lánh người bệnh. Chăm sóc họ sẽ giúp họ phục hồi và điều trị tốt hơn.

Người bệnh ung thư phổi cần được nâng đỡ tinh thần, thay vì xa lánh họ (Chương trình Trò chuyện cùng Bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy – chuỗi hoạt động đồng hành cùng bệnh nhân ung thư)

 

Quan niệm: Khi bị ung thư phổi cần phải ăn kiêng để “bỏ đói” khối u

Sự thật: Ăn kiêng đối với bệnh nhân ung thư phổi là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Về cơ bản, các tế bào ung thư có nhu cầu dinh dưỡng và năng lượng cao hơn các tế bào bình thường. Nhưng khi bệnh nhân ung thư phổi không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, các tế bào ung thư vẫn cần năng lượng riêng để đáp ứng nhu cầu của chúng. Kết quả là khối lượng nạc của cơ thể bị giảm nhanh chóng và các chất dinh dưỡng trong cơ thể bị tế bào ung thư mang đi, khiến cơ thể người bệnh suy kiệt nhanh chóng, tình trạng suy dinh dưỡng làm cho bệnh nhân kém dung nạp với điều trị và làm cho bệnh tình ngày càng xấu hơn.

 

Quan niệm: Thực phẩm chức năng có các chất chống oxy hóa có thể chữa, ngừa ung thư phổi

Sự thật: Chất chống oxy hóa giúp chống lại quá trình oxy hóa của các gốc tự do làm mất khả năng sinh sản của chúng. Tuy nhiên, hiệu ứng này chỉ được thấy ở những người không bị ung thư. Tuy nhiên, người bệnh ung thư phổi không nên lạm dụng các chất chống oxy hóa như vitamin, việc sử dụng thực phẩm chức năng cần có sự tư vấn của bác sĩ. Các chuyên gia cho rằng để phòng và tránh bệnh tật, nên ăn điều độ những thực phẩm giàu dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Đặc biệt, bỏ thuốc lá có thể làm giảm đáng kể nguy cơ bị ung thư phổi.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Shankar, Abhishek, et al. "Environmental and occupational determinants of lung cancer." Translational lung cancer research 8.Suppl 1 (2019): S31.

2. American Cancer Society - Lung Cancer Survival Rates

3. National Cancer Institute - Common Cancer Myths and Misconceptions

4. Donaldson, Michael S. "Nutrition and cancer: a review of the evidence for an anti-cancer diet." Nutrition journal 3.1 (2004): 1-21.

Các Tin Khác