ĐỘT BIẾN GENE EGFR TRONG UNG THƯ PHỔI

  ThS. BS Nguyễn Thị Bích Liên             

I.                   Ung thư phổi là gì?

Ung thư phổi là bệnh xuất phát từ các tế bào sinh sản tăng sinh ngoài tầm kiềm soát của phổi và phế quản, dẫn đến hình thành các khối u ác tính. Hàng năm, trên thế giới có hơn 2 triệu người được chẩn đoán mắc ung thư phổi và khoảng 1,7 triệu người tử vong vì căn bệnh này. Tại Việt Nam, ung thư phổi là loại ung thư thường gặp nhất.

Trước đây, ung thư phổi được người bệnh đón nhận như một bản án tử hình vì hầu hết người bệnh đến bệnh viện ở giai đoạn cuối và các phương pháp điều trị ở thời điểm đó hầu như không mang lại hiệu quả tốt. Tuy nhiên, những năm gần đây, các nghiên cứu mới về gene và các liệu pháp điều trị mới đã giúp cải thiện đáng kể thời gian sống và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Trong đó, việc phát hiện ra đột biến gene EGFR và thuốc điều trị nhắm vào gene này đã mang lại hy vọng rất lớn cho những bệnh nhân bị ung thư phổi.

II.                Đột biến gene EGFR là gì?

1.      Đột biến gene

Phổi, cũng như các cơ quan khác trong cơ thể người, đều được cấu tạo từ các tế bào. Nhân của mỗi tế bào chứa DNA duy nhất cho từng cá thể, bao gồm các gene khác nhau. Thông thường, tất cả các tế bào trong cơ thể người đều có bộ gene giống nhau. Tuy nhiên, trong quá trình sinh trưởng, các yếu tố môi trường (như phóng xạ, hóa chất, khói bụi, độc tố từ thức ăn…) sẽ làm biến đổi các DNA này ở một vài tế bào, những tế bào này nếu không được cơ thể tự sửa chữa thì có thể trở thành các tế bào ác tính.

2.      Gene EGFR và đột biến EGFR

Các tế bào trong cơ thể người có 2 nhiệm vụ chính:

-  Nhiệm vụ thứ nhất là sinh sống, thực hiện chức năng bình thường của nó.

-  Nhiệm vụ thứ 2 là sinh sản để tạo ra nhiều thế hệ tế bào kế tiếp. Sự sinh sản của tế bào là có giới hạn, phụ thuộc vào bản thân tế bào, chịu sự ảnh hưởng của các tế bào lân cận và sự kiểm soát của cơ thể. Một đột biến trên gene EGFR sẽ giúp tế bào u thoát khỏi sự điều chỉnh của cơ thể và sinh sản vượt ngoài tầm kiểm soát.

Ung thư phổi được chia làm 2 nhóm lớn là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Ung thư phổi không tế bào nhỏ được chia làm 3 loại chính: ung thư biểu mô tế bào tuyến, ung thư biểu mô tế bào gai và ung thư biểu mô tế bào lớn. Trong đó, đột biến gen EGFR thường gặp hơn ở các khối ung thư biểu mô tế bào tuyến, đặc biệt hay gặp ở nữ giới, người không có tiền sử hút thuốc là.

Tỷ lệ ung thư phổi có đột biến gene EGFR khác nhau tùy từng vùng trên thế giới. Ở châu Âu và Bắc Mỹ, tỷ lệ đột biến gene EGFR khá thấp (khoảng 15 – 20%), nhưng tỷ lệ đột biến EGFR lại cao ở châu Á. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ đột biến EGFR ở bệnh nhân ung thư phổi cao nhất châu Á (khoảng 64%). Tại bệnh viện Chợ Rẫy, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 4 có đột biến gene EGFR vào khoảng 57%. Đây là một tin vui cho các bệnh nhân ung thư phổi tại nước ta khi u mang các đột biến EGFR thường đáp ứng tốt với các thuốc điều trị nhắm trúng đích.

Để xác định mẫu mô ung thư của người bệnh có đột biến gene EGFR hay không, bệnh nhân sẽ được sinh thiết phổi và gửi xuống cho khoa Giải phẫu bệnh. Tại đây, các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và các kỹ thuật viên xét nghiệm lành nghề sẽ tiến hành phân tích mẫu mô, “giải mã” bộ gene của người bệnh nhằm phát hiện những đột biến gây bệnh trong gene EGFR. Khoa Giải phẫu bệnh và Đơn vị Sinh học phân tử của Bệnh viện Chợ Rẫy được trang bị những trang thiết bị hiện đại, những máy xét nghiệm đột biến gene với độ chính xác cao, phối hợp nhiều phương pháp xét nghiệm, có thể xét nghiệm nhiều đột biến gene, trong đó có đột biến EGFR.

III.             Ảnh hưởng của đột biến EGFR và quá trình điều trị

Nhờ vào những tiến bộ của khoa học hiện đại, cuộc sống của những bệnh nhân ung thư phổi có đột biến EGFR đã được cải thiện đáng kể nhờ các thuốc nhắm trúng đích. Các thuốc này có thể ngăn chặn hoạt động của gene EGFR, qua đó sẽ ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Các loại thuốc này gồm thế hệ 1,2 như erlotinib, gefitinib, afatinib và thế hệ 3 như osimertinib

Trước đây, hóa trị là phương pháp điều trị đầu tiên cho hầu hết các trường hợp ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến triển hay di căn xa, nhưng hiện nay các loại thuốc điều trị nhắm trúng đích là lựa chọn chính để điều trị các khối u có đột biến EGFR ở các giai đoạn này. Những loại thuốc này có xu hướng ít tác dụng phụ hơn so với hóa trị và sẽ không ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh. Sự ra đời của các loại thuốc điều trị nhắm trúng đích trong thập kỷ qua đã mang lại cho bệnh nhân những cơ hội mới để ngăn chặn bệnh ung thư phổi tiến triển đồng thời cải thiện tỷ lệ sống còn và chất lượng cuộc sống. Để dễ hình dung, nếu bạn được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối (tức là khối u đã di căn xa) và bạn có mang đột biến gene EGFR, các thuốc nhắm trúng đích có thể giúp kiểm soát bệnh và làm kéo dài thời gian sống thêm trung bình lên đến hơn 3 năm.

Không chỉ giúp điều trị khối u tại phổi, một số thuốc nhắm trúng đích như osimertinib còn có khả năng xâm nhập thấm vào mô não vì vậy có tác dụng điều trị u ở những vị trí di căn mà thuốc hóa trị không thể điều trị được như di căn não.

IV.             Tác dụng phụ

Mặc dù các thuốc nhắm trúng đích đã giảm thiểu rất nhiều tác dụng phụ nếu so sánh với các phương pháp hóa trị đơn thuần, tuy nhiên, vẫn có một số tác dụng phụ có thể xảy ra. Tác dụng phụ phổ biến nhất là phát ban trên da, nổi mụn và tiêu chảy.

V.                Các vấn đề về kháng thuốc

Thật không may, mặc dù ban đầu ung thư phổi có thể đáp ứng rất tốt với các loại thuốc điều trị nhắm trúng đích, nhưng các tế bào ung thư rất “ma mãnh”, chúng hầu như tìm mọi cách để chống lại sự ức chế từ các thuốc điều trị, hiện tượng này gọi là kháng thuốc. Khoảng thời gian để xuất hiện kháng một loại thuốc ở mỗi bệnh nhân là khác nhau, nhưng phổ biến là từ 9 đến 13 tháng, tuy nhiên cũng có rất nhiều bệnh nhân không thấy xuất hiện tình trạng kháng thuốc sau rất nhiều năm điều trị. Nhưng hãy yên tâm, khi điều này xảy ra, các bác sĩ sẽ tìm đến các loại thuốc điều trị nhắm trúng đích mới khác hoặc các phương pháp điều trị mới khác để tiếp tục đồng hành cùng người bệnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Gervas P, Ivanova A, Vasiliev N, Ananina O, Zharkova O, Rogovieva O, Verzhbitskaya N, Didichuk I, Cheremisina O, Popova N, Goldberg V, Cherdyntsev E, Choynzonov E, Cherdyntseva N. Frequency of EGFR mutations in non-small cell lung cancer patients: screening data from West Siberia. Asian Pac J Cancer Prev. 2015;16(2):689-92. doi: 10.7314/apjcp.2015.16.2.689. PMID: 25684509.

2.    Graham RP, Treece AL, Lindeman NI, Vasalos P, Shan M, Jennings LJ, Rimm DL. Worldwide Frequency of Commonly Detected EGFR Mutations. Arch Pathol Lab Med. 2018 Feb;142(2):163-167. doi: 10.5858/arpa.2016-0579-CP. Epub 2017 Nov 6. PMID: 29106293.

3.    Nan X, Xie C, Yu X, Liu J. EGFR TKI as first-line treatment for patients with advanced EGFR mutation-positive non-small-cell lung cancer. Oncotarget. 2017;8(43):75712-75726. Published 2017 Aug 9. doi:10.18632/oncotarget.20095

4.    Phan Thanh Thăng, Nguyễn Thị Lan Hương và cs (2017). Phát hiện đột biến gen egfr trong mẫu huyết tương bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ tại bệnh viện Chợ Rẫy. Thời sự Y học

5.    Travis, WD (2010). Tumours of the lung, pleura, thymus and heard., World Health Organization, International Agency for Research on Cancer, International Association for the Study of Lung Cancer, & International Academy of Pathology. Pathology and genetics of tumours of the lung, pleura, thymus and heart. Lyon: IARC Press.

 

Các Tin Khác