LIỆU PHÁP NỘI TIẾT TRONG UNG THƯ VÚ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

ThS.Bs. Đào Nguyễn Hằng Nguyên        

  

Ung thư vú là bệnh lý thường gặp nhất trong các loại ung thư ở nữ giới. Điều trị ung thư vú là sự phối hợp nhiều phương thức điều trị nhằm đem lại hiệu quả điều trị cao nhất. Liệu pháp nội tiết là một trong các phương thức đó. 

Vậy liệu pháp nội tiết là gì? Người bệnh cần lưu ý gì khi điều trị nội tiết? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm về biện pháp điều trị này.

Liệu pháp điều trị nội tiết là gì?
Một vài loại ung thư vú chịu sự chi phối của hormon như estrogen và progesterone. Tế bào ung thư vú có các thụ thể (là các protein), các thụ thể này liên kết với estrogen hoặc progesterone giúp tăng trưởng tế bào ung thư. Liệu pháp hormon chính là tác động lên sự bám dính của các hormon này lên các thụ thể để ngăn chặn quá trình lớn lên của tế bào ung thư.
Chỉ định điều trị nội tiết trong ung thư vú
Điều trị nội tiết thường được chỉ định sau phẫu thuật để giúp giảm nguy cơ bệnh tái phát, điều trị thường kéo dài 5 đến 10 năm. Một vài trường hợp được dùng trước phẫu thuật giúp giảm kích thước u.
Điều trị nội tiết cũng có thể được dùng để điều trị khi bệnh tái phát hoặc khi tế bào ung thư lây lan qua các vùng khác của cơ thể. Tình trạng này được gọi là di căn xa.
Các phương pháp điều trị nội tiết ung thư vú
Có thể thấy điều trị nội tiết trải dài trong cả quá trình bệnh của người bệnh từ khi phát hiện, phẫu thuật, sau phẫu thuật đến cả khi di căn xa. Hầu hết các loại liệu pháp nội tiết đều có khả năng làm giảm nồng độ estrogen hoặc ngăn chặn loại hormon này tác động tiêu cực đến các tế bào ung thư vú.
1. Những loại thuốc ngăn chặn các thụ thể estrogen
- Tamoxifen
- Fulvestrant
2. Những loại thuốc làm giảm nồng độ estrogen trong cơ thể người bệnh
- Nhóm ức chế men aromatase (Ais): Anastrozole, Exemestane, Letrozole
3. Ức chế buồng trứng 
- Cắt buồng trứng
- Xạ trị buồng trứng
- Thuốc tương tự hormon giải phóng hormon luteinizing

   

Vậy bệnh nhân điều trị nội tiết cần lưu ý gì?
Khi sử dụng các nhóm thuốc nội tiết vẫn có thể xảy ra những tác dụng phụ không mong muốn. Người bệnh cần lưu ý như sau:
1. Tamoxifen có thể gây ra một số tác dụng phụ nhất định bao gồm: 
- Cơ thể cảm thấy nóng bừng, âm đạo khô hoặc tiết dịch
- Tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung nếu bệnh nhân đã mãn kinh
- Hình thành cục máu đông là tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nguy hiểm đối với người bệnh. Người bệnh có thể xuất hiện cục máu đông ở chân (huyết khối tĩnh mạch sâu), đôi khi cục máu đông vỡ ra và gây tắc mạch máu ở phổi, thậm chí gây đột quị. Bệnh nhân khi xuất hiện triệu chứng đau đầu dữ dội kèm theo lú lẫn hay nói khó, đi lại khó khăn cần đến bệnh viện ngay lập tức để được can thiệp kịp thời.
Ngoài ra, Tamoxifen có thể tác động đến xương tuỳ mức độ theo tình trạng mãn kinh của người bệnh. Nguy cơ loãng xương tăng cao ở phụ nữ tiền mãn kinh.
2. Đối với Fulvestrant cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ ngắn hạn như:
- Nóng bừng và đổ mồ hôi ban đêm, đau đầu, buồn nôn nhẹ, đau xương và đau chỗ tiêm
3. Các tác dụng phụ xảy ra khi dùng nhóm AIs: 
các tác dụng phụ thường ít nghiêm trọng hơn so với Tamoxifen. Chúng không gây ung thư nội mạc tử cung và rất hiếm gây ra cục máu đông. 

- Tuy nhiên thuốc có thể gây đau cơ, cứng và đau khớp. Các cơn đau khớp có thể giống như cảm giác bị viêm khớp cùng một lúc nhiều khớp khác nhau. Người bệnh có thể chuyển sang một loại thuốc AIs khác có thể cải thiện được các tác dụng phụ này, nhưng trong một số trường hợp việc điều trị có khả năng dừng lại. Nếu điều này xảy ra, người bệnh nên sử dụng Tamoxifen để hoàn thành việc điều trị.
- AIs làm giảm mạnh mức estrogen ở phụ nữ mãn kinh nên chúng có thể gây loãng xương thậm chí gãy xương. Người bệnh cần chú ý theo dõi tình trạng loãng xương.

Điều trị nội tiết có thể được sử dụng như là một phần của quá trình điều trị tổng thể cho bệnh nhân ung thư vú, chiến lược tối ưu cụ thể sẽ được xác định bởi các bác sĩ chuyên khoa ung thư. Bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc cũng như tăng giảm liều thuốc khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ. Nếu cần tư vấn và thăm khám, bệnh nhân có thể liên hệ tại Trung tâm Ung Bướu - Bệnh viện Chợ Rẫy để được tư vấn chi tiết về điều trị.
Tài liệu tham khảo: 
1. American Cancer Society
2. National Comprehensive Cancer Network (NCCN), 2020.

Các Tin Khác