TUÂN THỦ ĐIỀU TRỊ TRONG THUỐC NHẮM TRÚNG ĐÍCH CỦA UNG THƯ PHỔI

Ths.Bs. Đào Nguyễn Hằng Nguyên         

Ung thư phổi là gì?
Ung thư phổi là bệnh lý thường gặp. Tại Việt Nam, ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm xếp hàng thứ 2 ở cả nam và nữ. Điều trị ung thư phổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó giai đoạn bệnh giữ vai trò quan trọng. Thật không may khi phần lớn người bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn khi bệnh đã di căn xa. Việc lựa chọn biện pháp điều trị trong giai đoạn này nhằm mục đích giảm thiểu tối đa tác dụng phụ, kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Thuốc nhắm trúng đích là một trong những biện pháp điều trị cho bệnh nhân ở giai đoạn này.
Nếu người bệnh biết được những lưu ý khi điều trị thuốc nhắm trúng đích, sẽ có được cách chăm sóc, thay đổi lối sống và tuân thủ điều trị tốt hơn.

Vậy thuốc nhắm trúng đích trong điều trị ung thư phổi là thuốc gì?
Đây là một loại điều trị bằng thuốc tấn công vào các đặc tính cụ thể của tế bào ung thư nhằm ngăn chặn tế bào ung thư phát triển và lan rộng. Điều trị nhắm trúng đích còn được biết đến với các tên gọi khác như liệu pháp sinh học, liệu pháp nhắm trúng đích phân tử.
Thuốc điều trị nhắm trúng đích lưu thông khắp cơ thể, mỗi loại thuốc tác động trên một đích phân tử cụ thể bên trong hoặc bên trên bề mặt của tế bào ung thư (ví dụ một gen hoặc protein). Các đích phân tử này có liên quan đến sự tồn tại và tăng trưởng của tế bào ung thư. Ngăn chặn hoạt động của chúng có thể tiêu diệt tế bào ung thư hoặc làm chậm sự phát triển của chúng. Đồng thời giảm thiểu tổn thương cho các tế bào khoẻ mạnh. Điều này có nghĩa là thuốc nhắm trúng đích có thể kiểm soát được bệnh giúp người bệnh quay trở lại cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên thuốc phải dùng lâu dài và bạn sẽ cần kiểm tra thường xuyên để theo dõi ung thư
Đối với ung thư phổi, thuốc nhắm trúng đích là các loại thuốc ngăn chặn sự sản xuất của protein EGFR (Epidermal growth factor receptor) từ đó có thể làm chậm qúa trình phát triển của tế bào u. EGFR là thụ thể tyrosine kinase (TKI) nằm xuyên màng tế bào. Khi đột biến gen EGFR xảy ra, các thụ thể tyrosine kinase này tự bản thân có khả năng kích hoạt tế bào dẫn đến quá trình tăng sinh một cách vô tổ chức của các tế bào ung thư.
Ngoài ra còn có các loại thuốc nhắm trúng đích, nhắm vào các đột biến gen khác như ALK, ROS cũng được dùng để điều trị ung thư phổi.

Hiện nay, Trung tâm Ung Bướu - Bệnh viện Chợ Rẫy có nhiều loại thuốc nhắm trúng đích đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân như: Erlotinib, Gefitinib, Afatinib, Osimertinib, Ceritinib…
Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc nhắm trúng đích?
Mặc dù thuốc nhắm trúng đích ít gây ảnh hưởng đến các tế bào lành, tuy nhiên thuốc vẫn có thể gây một vài triệu chứng không mong muốn. Tuỳ thuộc vào loại thuốc, nhìn chung các tác dụng phụ thường gặp:
- Nổi mụn hoặc nổi mẩn đỏ
- Tiêu chảy
- Mệt mỏi
- Buồn nôn
- Nôn
Vậy người bệnh cần làm gì khi xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn đó?
Những lưu ý khi điều trị nhắm trúng đích
Việc sử dụng thuốc để điều trị trúng đích nghe có vẻ đơn giản, nhưng liệu pháp này thực sự cũng phức tạp và đòi hỏi sự tuân thủ điều trị nghiêm ngặt ở bệnh nhân:
- Liệu pháp chỉ có hiệu quả nếu khối u có mục tiêu để thuốc có thể nhắm vào. Không phải tất cả bệnh nhân ung thư phổi đều có thể điều trị bằng thuốc nhắm trúng đích. Cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
- Bác sĩ sẽ quyết định liều lượng thuốc mà người bệnh cần dùng. Liệu pháp nhắm trúng đích có thể gây nên các tác dụng phụ như vấn đề về da, tóc, móng hoặc tay chân, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ để điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp. Ngoài ra bệnh nhân đang có bệnh lý nội khoa khác nên báo bác sĩ để được tư vấn thêm nhằm tránh tương tác thuốc, tránh gây gỉảm hiệu quả hay tăng tác dụng phụ không mong muốn.
- Các thuốc  TKI kể trên đều là dạng viên nên được uống vào một thời điểm trong ngày. Erlotinib và Afatinib nên được uống khi bụng đói, 1 giờ trước bữa ăn hoặc 2 giờ sau bữa ăn. Gefitinib và Osimertinib có thể uống lúc bụng no hoặc đói.
- Bệnh nhân tuyệt đối không tự ngưng thuốc. Nếu quên uống thuốc cần liên hệ bác sĩ điều trị để được tư vấn hợp lý. Tuyệt đối không uống gấp đôi liều.
- Trường hợp người bệnh gặp vấn đề về nuốt viên thuốc, Gefitinib và Osimertinib có thể hoà tan trong nước rồi khấy đều. Tránh nghiền nát viên thuốc. Luôn luôn tráng ly nước để đảm bảo uống đủ liều.
- Thuốc được bảo quản ở nơi khô ráo, nhiệt độ phòng.
- Nếu đang mang thai hoặc mong muốn có thai, người bệnh nên thảo luận cùng bác sĩ điều trị vì thuốc gây hại cho thai nhi.

  Điều trị nhắm trúng đích là điều trị lâu dài, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt để đem lại hiệu quả điều trị tối ưu. Việc không tuân thủ điều trị có thể dẫn đến tình trạng bệnh tiến triển xấu đi ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.

Tài liệu tham khảo
1. Cancer Council NSW
2. National Comprehensive Cancer Network (NCCN), 2020.

Các Tin Khác