Tầm soát sớm ung thư vú tại Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện Chợ Rẫy

BS Đặng Tiến Dũng       

I. Vai trò của khám tầm soát ung thư vú
Theo Globocan 2018, ung thư vú là bệnh lý ác tính đứng hàng đầu ở phụ nữ Việt Nam, kết quả điều trị phụ thuộc nhiều vào giai đoạn bệnh. Ung thư vú được phát hiện sớm, khi khối u còn nhỏ và chưa di căn thì sẽ dễ điều trị thành công hơn. Tầm soát định kỳ có thể giúp phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm ngay cả khi bệnh chưa có triệu chứng. Vì vậy, việc tầm soát ung thư vú là chiến lược quan trọng để giúp làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư vú. 
II. Các phương tiện giúp tầm soát ung thư vú


1. Chụp nhũ ảnh hay còn gọi là chụp X-quang vú

Chụp nhũ ảnh giúp ghi nhận những thay đổi nhỏ ở vú, những thay đổi này có thể là dấu hiệu sớm của ung thư vú, xuất hiện nhiều năm trước khi có thể phát hiện qua thăm khám. Kết quả nghiên cứu từ nhiều thập niên qua cho thấy chụp nhũ ảnh định kỳ giúp tăng khả năng phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm. 
Dù vậy, chụp nhũ ảnh không phải phương pháp hoàn hảo, đôi khi cần thêm các phương tiện khác để xác định một tổn thương có khả năng là ung thư hay không. 

2. Siêu âm vú
Siêu âm rất hữu ích để xem xét một số thay đổi ở vú, đặc biệt là những khối u có thể cảm nhận được nhưng không thấy được trên chụp nhũ ảnh, hoặc những thay đổi ở phụ nữ có mô vú dày đặc (phù hợp với đặc điểm của phụ nữ Việt Nam). Siêu âm cũng giúp tăng thông tin chẩn đoán về những dấu hiệu nghi ngờ đã được nhìn thấy trên nhũ ảnh.
Siêu âm rất hữu ích vì có thể giúp phân biệt được các nang vú chứa dịch lỏng (rất ít có khả năng là ung thư) và các khối rắn (có thể cần xét nghiệm thêm để xác định chắc chắn chúng không phải là ung thư).
Siêu âm cũng có thể được sử dụng để giúp định hướng kim sinh thiết vào khối u để có thể lấy tế bào ra ngoài và xét nghiệm tìm tế bào ung thư. Điều này cũng có thể được thực hiện với các hạch bạch huyết nghi ngờ di căn ở vùng nách.
Siêu âm ngày nay rất phổi biến, dễ trang bị, không gây phơi nhiễm bức xạ, có thể lặp lại nhiều lần với chi phí thường thấp hơn các phương tiện chẩn đoán khác.

3. Thăm khám lâm sàng và khám vú
Trên những phụ nữ được chụp nhũ ảnh định kỳ, khám vú bởi bác sĩ và tự khám vú không giúp tăng thêm lợi ích rõ ràng trong việc phát hiện sớm ung thư vú.
Dù vậy tự khám vú định kỳ vẫn là một cách để theo dõi tình trạng bình thường của bản thân mỗi người phụ nữ và cảm nhận những sự thay đổi mới xảy ra như một khối nhỏ ở vú hay ở nách. Chị em phụ nữ có thể phát hiện được các bất thường của vú khi tắm hoặc khi mặc quần áo.

4. Chụp cộng hưởng từ (MRI) tuyến vú
MRI tuyến vú không được khuyến khích làm phương tiện sàng lọc bởi vì nó có thể bỏ sót một số bệnh ung thư mà chụp nhũ ảnh có thể phát hiện được. MRI có thể bổ sung cho nhũ ảnh để tầm soát ung thư vú đối với một số phụ nữ có nguy cơ cao. 
Mặc dù MRI có thể phát hiện một số trường hợp ung thư không được nhìn thấy trên chụp nhũ ảnh, nhưng cũng có nhiều khả năng chẩn đoán nhầm những tổn thương hóa ra không phải là ung thư (được gọi là dương tính giả). Điều này có thể dẫn đến việc quyết định sinh thiết không cần thiết. Đây là lý do tại sao MRI không được khuyến khích làm phương tiện sàng lọc cho phụ nữ có nguy cơ ung thư vú trung bình.

III. Khuyến cáo về tầm soát ung thư vú
Trên thế giới có rất nhiều khuyến cáo khác nhau về tầm soát ung thư vú, dưới đây là các khuyến cáo từ Hội ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society - ACS)
1. Tầm soát ung thư vú trên phụ nữ có nguy cơ trung bình
Phụ nữ được coi là có nguy cơ trung bình nếu cô ấy không có tiền sử cá nhân bị ung thư vú, tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú hoặc đột biến gen được biết là làm tăng nguy cơ ung thư vú (chẳng hạn mang gen BRCA) và chưa từng xạ trị vùng ngực trước 30 tuổi. 
Những phụ nữ này có thể tầm soát ung thư vú bằng chụp nhũ ảnh định kỳ theo lịch sau:
- Phụ nữ từ 40 đến 44 tuổi có thể bắt đầu tầm soát bằng chụp nhũ ảnh hàng năm.
- Phụ nữ từ 45 đến 54 nên chụp nhũ ảnh hàng năm.
- Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên có thể chuyển sang chụp nhũ ảnh mỗi hai năm, hoặc vẫn có thể lựa chọn tiếp tục chụp nhũ ảnh hàng năm. Việc tầm soát bằng nhũ ảnh nên tiếp tục miễn là cô ấy có sức khỏe tốt và kỳ vọng sẽ sống thêm được ít nhất 10 năm nữa.
2. Tầm soát ung thư vú trên phụ nữ có nguy cơ cao
Nhóm này bao gồm những phụ nữ:
- Có nguy cơ mắc ung thư vú suốt đời khoảng 20% đến 25% hoặc cao hơn, theo các công cụ đánh giá rủi ro chủ yếu dựa trên tiền sử gia đình
- Có đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 (dựa trên việc đã làm xét nghiệm di truyền)
- Có người thân trực hệ (cha mẹ, anh, chị, em ruột hoặc con cái) bị đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 và bản thân chưa làm xét nghiệm di truyền
- Đã xạ trị vùng ngực khi ở đang ở độ tuổi từ 10 đến 30
- Có hội chứng Li-Fraumeni, hội chứng Cowden hoặc hội chứng Bannayan-Riley-Ruvalcaba hoặc có người thân trực hệ mắc một trong các hội chứng này
  Những phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư vú nên chụp nhũ ảnh và MRI tuyến vú hàng năm, thường bắt đầu từ tuổi 30 và tiếp tục miễn là họ có sức khỏe tốt. Nếu được sử dụng, MRI là một phương pháp bổ sung, chứ không thể thay thế chụp nhũ ảnh. Như đã đã nói ở trên, mặc dù MRI tuyến vú có nhiều khả năng phát hiện ung thư hơn chụp nhũ ảnh, nó vẫn có thể bỏ sót một số trường hợp mà chụp nhũ ảnh có thể phát hiện được. 

Tài liệu tham khảo
1. https://www.cancer.org/cancer/breast-cancer/screening-tests-and-early-detection/american-cancer-society-recommendations-for-the-early-detection-of-breast-cancer.html 
2. https://www.cancer.org/cancer/breast-cancer/screening-tests-and-early-detection/breast-ultrasound.html 
3. https://www.cancer.org/cancer/breast-cancer/screening-tests-and-early-detection/breast-mri-scans.html

Các Tin Khác