CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CHO BỆNH NHÂN UNG THƯ PHỔI TỪ GÓC NHÌN TÂM LÝ VÀ DINH DƯỠNG

CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CHO BỆNH NHÂN UNG THƯ PHỔI

TỪ GÓC NHÌN TÂM LÝ VÀ DINH DƯỠNG

ThS.BS Nguyễn Thị Bích Liên


 

Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp đứng thứ 2 và dẫn đầu về nguyên nhân tử vong do ung thư hàng năm trên thế giới. Việc chuẩn bị tốt nhất về mặt tâm lý và dinh dưỡng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho bệnh nhân trong quá trình điều trị.

1.      Các thay đổi về mặt tâm lý

So với các loại ung thư khác, bệnh nhân mắc ung thư phổi thường sẽ có triệu chứng nặng nề hơn và tiên lượng sống thường kém hơn. Bệnh nhân thường sẽ có những lo âu về diễn tiến nhanh chóng của khối u, sự sợ hãi về cái chết, các mối lo về lựa chọn và tác dụng phụ của phương pháp điều trị, về khả năng tài chính và các mối quan hệ, sự kỳ thị của những người xung quanh. Những cảm xúc tiêu cực khác như buồn bã, tức giận, cô độc đều có thể đến với bệnh nhân.

Ở giai đoạn mới phát hiện ung thư phổi, tâm lý người bệnh thường hay cảm thấy choáng váng, tê liệt. Người bệnh cần phải có thời gian để sẵn sàng chấp nhận sự thật rằng mình bị ung thư trước khi tiếp tục thảo luận các bước điều trị tiếp theo. Một số bệnh nhân xuất hiện tâm lý chối bỏ hay nghi ngờ chẩn đoán, một số khác chán chường, buông xuôi khi cho rằng cái chết là không thể tránh khỏi, cảm giác mình là gánh nặng cho người thân.

Khi bước vào giai đoạn điều trị, việc lo lắng về hiệu quả của phương pháp điều trị hay tác dụng phụ của thuốc là điều hết sức bình thường. Hầu hết tâm lý bệnh nhân sẽ dần trở nên cảm thấy tốt hơn sau khi tìm hiểu kỹ về chẩn đoán, các phương pháp điều trị và tiên lượng.

Một số biện pháp đơn giản có ích về mặt tâm lý cho bệnh nhân ung thư phổi.

-         Khi nhận được thông báo mắc ung thư, bệnh nhân nên trò chuyện với bác sĩ các thông tin về căn bệnh của mình cũng như các phương pháp điều trị hiện có.  

-         Vận động thể lực có thể giúp cải thiện các cám xúc tức giận, lo âu, căng thẳng hay trầm cảm.

-         Tìm kiếm sự hỗ trợ: chia sẻ với gia đình, bạn bè hay bác sĩ điều trị, bác sĩ tâm lý về những vấn đề mà bệnh nhân quan tâm, lo lắng.

-         Ăn uống đủ chất, lành mạnh, sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.

-         Nếu người bệnh gặp khó khăn về tài chính, hãy liên hệ với phòng công tác xã hội của bệnh viện để được nhận sự hỗ trợ.

 

TS BS Lê Tuấn Anh - Giám đốc Trung tâm Ung Bướu BV Chợ Rẫy trao quà cho bệnh nhân

2.      Các vấn đề về dinh dưỡng

Tại sao chăm sóc dinh dưỡng quan trọng với bệnh nhân ung thư phổi ?

Dinh dưỡng phù hợp giúp người bệnh mau phục hồi sau điều trị, làm tăng chất lượng sống. Bệnh nhân ung thư phổi có thể phải trải qua các phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị hoặc hoá trị. Điều quan trọng trong chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư phổi là làm sao duy trì cân nặng cơ thể tối ưu. Đối với bệnh nhân có hoá trị, cần đảm bảo dinh dưỡng xuyên suốt quá trình trước khi truyền hoá trị, trong thời gian điều trị hoá trị và sau khi hoá trị, không thể chỉ lo vô thuốc hoá chất đủ liều mà không chăm sóc dinh dưỡng.

Quan điểm nhịn ăn để khối u không được nuôi dưỡng và teo nhỏ đi là không phù hợp, vì khi chúng ta nhịn ăn, cơ thể mất năng lượng, mất các vitamin và khoáng chất cần thiết, dẫn đến thiếu máu, suy giảm miễn dịch, làm chậm lành vết thương, chậm phục hồi cơ thể sau hoá trị, dẫn đến làm gián đoạn việc điều trị, từ đó làm khối u có cơ hội phát triển mạnh hơn.

Bệnh nhân hoá trị có thể gặp tác dụng phụ gây buồn nôn, viêm loét niêm mạc miệng và đường tiêu hoá khiến bệnh nhân mất cảm giác ngon miệng, chán ăn, ăn khó do đau, không tiêu, trào ngược, làm giảm lượng thức ăn nạp vào cơ thể so với nhu cầu, do đó, việc thiết lập chế độ ăn phù hợp là vô cùng cần thiết.

Bệnh nhân ung thư phổi cần ăn gì ?

Nên ăn đầy đủ các chất đường, đạm, béo, vitamin, đa dạng hoá thực đơn với các loại thức ăn chứa lượng đạm và năng lượng cao. Một số thức ăn có nhiều năng lượng có thể kể đến là sữa, kem, phô mai, trứng, bơ, các loại sữa dinh dưỡng chứa lượng đạm cao. Bệnh nhân nên tránh ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ hay nhiều gia vị, quá cay hay quá mặn, chia nhỏ bữa ăn trong ngày, tránh ăn quá no cùng một lúc, nên uống nhiều nước.

Ngoài ra người bệnh cần phối hợp thêm các thuốc hỗ trợ như chống nôn, giảm trào ngược dạ dày, bù nước điện giải đầy đủ nhằm tránh mất nước. Một số bệnh nhân ung thư phổi có hạch trung thất gây chèn ép thực quản có thể cần phải mở dạ dày ra da tạm thời và nuôi ăn qua ống sonde trong quá trình hoá trị, xạ trị nhằm đảm bảo dinh dưỡng và hạn chế sụt giảm cân nặng. Một điều quan trọng nữa là thường xuyên giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ.

Điều trị ung thư phổi là chăm sóc người mang bệnh chứ không đơn thuần là điều trị căn bệnh ung thư, do đó cần phối hợp đa chuyên khoa giữa các bác sĩ phẫu thuật, xạ trị, nội khoa ung thư, bác sĩ dinh dưỡng và chuyên gia tâm lý, cùng với sự hợp tác của bệnh nhân, thân nhân.

 

Tài liệu tham khảo

National Comprehensive Cancer Network (NCCN), 2021

 

Các Tin Khác