KỶ NGUYÊN MỚI TRONG ĐIỀU TRỊ UNG THƯ PHỔI GIAI ĐOẠN MUỘN


K NGUYÊN MỚI TRONG ĐIỀU TRỊ UNG THƯ PHỔI GIAI ĐOẠN MUỘN

Ths. BS. Châu Đỗ Trường Vi

Liệu pháp miễn dịch là gì?

Hệ miễn dịch là hệ thống được xem như là hàng rào bảo vệ cơ thể, gồm nhiều cấu trúc và là quá trình sinh học tự nhiên nhằm bảo vệ chống lại các tác nhân gây bệnh cho cơ thể. Các tế bào ung thư có khả năng trốn tránh được sự phát hiện và kiểm soát của những tế bào miễn dịch trong cơ thể vì thế chúng không bị phát hiện và hệ miễn dịch không tiêu diệt được, do đó các tế bào bướu ngày càng phát triển và có thể di căn đến bất kì cơ quan nào trong cơ thể. Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư giúp chống lại cơ chế này của khối u bằng cách đánh dấu vào tế bào ung thư, kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận ra và tấn công các tế bào ung thư.

(Cập nhập kiến thức mới từ hội nghị quốc tế)

Điều trị liệu pháp miễn dịch

Ung thư phổi là một bệnh phổ biến tại Việt Nam, tuy nhiên hầu hết được phát hiện ở giai đoạn muộn khi bệnh đã di căn (giai đoạn IV) với tiên lượng sống còn kém. Trước kỷ nguyên miễn dịch, điều trị nền tảng cho ung thư phổi giai đoạn muộn là hóa trị trong đó có thuốc hóa chất nhóm Platinum, tuy nhiên hiệu quả không được mấy khả quan. Từ khi liệu pháp miễn dịch ra đời với các thuốc có tên như Pembrolizumab, Nivolumab, Atezolizumab, đã được các nghiên cứu chứng minh giúp kéo dài thời gian sống so với điều trị hóa trị truyền thống. Tùy theo biểu hiện của xét nghiệm mẫu mô u sinh thiết có mức độ biểu hiện miễn dịch ra sao mà bác sĩ có thể đề nghị sử dụng liệu pháp miễn dịch đơn độc hay kết hợp hóa trị để đạt lợi ích tối ưu nhất.

Các thuốc miễn dịch này sẽ được truyền bằng đường tĩnh mạch, bệnh nhân được truyền vài tuần một lần. Thời gian điều trị của bệnh nhân tùy thuộc vào tác dụng phụ mà họ có thể dung nạp được hay không và thuốc có còn mang lại hiệu quả kiểm soát khối u hay không. Khi bệnh nhân đạt đáp ứng với điều trị, thì tình trạng đáp ứng này thường kéo dài là do hệ miễn dịch của bệnh nhân có khả năng ghi nhớ, sinh ra các kháng thể đặc trưng với bệnh, thuốc miễn dịch đã được chứng minh là có thể tiếp tục có hiệu quả trong một khoảng thời gian ngay cả khi ngừng điều trị.

Tác dụng phụ khi sử dụng liệu pháp miễn dịch

Tất cả các phương pháp điều trị ung thư đều có thể có tác dụng phụ. Khi dùng liệu pháp miễn dịch, một số bệnh nhân gặp rất ít tác dụng phụ hoặc hầu như không có, trong khi có những bệnh nhân khác lại gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn. Một số tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc điều trị miễn dịch là:

Liệu pháp miễn dịch có thể gây viêm cho các cơ quan trong cơ thể. Viêm có thể xảy ra ở bất kỳ cơ quan nào của cơ thể bao gồm: Phổi (viêm phổi), gan (viêm gan), ruột (viêm đại tràng / tiêu chảy) hoặc tuyến giáp. Các tác dụng phụ này có thể rất nghiêm trọng và tất cả các tác dụng phụ có thể xảy ra sẽ được bác sĩ thảo luận và dặn dò trước khi bệnh nhân bắt đầu sử dụng thuốc. Hãy trao đổi với bác sĩ về bất kì tác dụng phụ nào mà bạn gặp phải và thông thường các tác dụng phụ này là có thể kiểm soát được.

Tổng kết

Ở Việt Nam, liệu pháp miễn dịch vẫn là một phương pháp mới và chi phí khá tốn kém nên chưa được đa số bệnh nhân tiếp cận rộng rãi. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của ngành y tế và xã hội, nhiều chương trình hỗ trợ bệnh nhân ung thư đã được ra đời nhằm giúp bệnh nhân có thể tiếp cận được nhiều hơn, tốt hơn với các phương pháp điều trị miễn dịch, đem lại hiệu quả cao hơn trong điều trị, kéo dài hơn thời gian sống còn.

 Kỉ nguyên thuốc miễn dịch ra đời mở ra mang đến những hứa hẹn về kì vọng sống còn và niềm hi vọng mới cho bệnh nhân ung thư phổi “ung thư giai đoạn cuối không phải là dấu chấm hết”

(Sảnh chờ khám bệnh nhân Ung Bướu-Trung tâm Ung Bướu Chợ Rẫy)


Tài liệu tham khảo

National Comprehensive Cancer Network (NCCN), 2021


Các Tin Khác