Điều trị thuốc nhắm trúng đích cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn sớm, tại sao không ?

Thạc sĩ. Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Liên

Tổng quan về ung thư phổi

Ung thư phổi là ung thư thường gặp tại Việt Nam, theo thống kê năm 2020, với trên 26.600 trường hợp mới mắc, ung thư phổi đứng hàng thứ 2 ở nam giới sau ung thư gan và nhiều thứ 3 ở nữ giới sau ung thư vú và ung thư đại trực tràng. Bệnh thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm và đa số bệnh nhân đến khám phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khoảng 45%, gây tử vong cho 1,3 triệu người trong một năm. Khả năng sống còn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh ở thời điểm bắt đầu điều trị, tỉ lệ sống sau 5 năm khoảng 61% ở giai đoạn tại chỗ và con số này giảm xuống còn 4% ở giai đoạn di căn. 

Đột biến gen EGFR và vai trò của thuốc nhắm trúng đích (TKIs) trong ung thư phổi giai đoạn sớm

Ngày nay, với sự phát triển của sinh học phân tử, khoa học đã tìm ra được nhiều đột biến liên quan đến ung thư phổi, một trong số đó là đột biến EGFR. Đột biến gen là sự thay đổi trong ADN tạo nên một gen, gây ra bất thường của tế bào. EGFR là một gen giúp cho tế bào phân chia và phát triển, khi xảy ra đột biến ở gen này, tế bào sẽ hoạt động bất thường dẫn đến ung thư.

Tỉ lệ đột biến gen EGFR được ghi nhận ở khoảng 30% bệnh nhân ung thư phổi, thường gặp ở bệnh nhân nữ, không hút thuốc lá. Trong ung thư phổi, đột biến gen EGFR thường gặp là mất đoạn exon 19 và đột biến điểm L858R. Những đột biến này sẽ đáp ứng với liệu pháp nhắm trúng đích sử dụng thuốc ức chế Tyrose Kinase ( TKIs)

Làm cách nào để xác định đột biến gen EGFR? Đột biến này có thể được xét nghiệm trong mẫu mô u có chứa tế bào ung thư hoặc trong mẫu máu của bệnh nhân ung thư phổi.

Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn sớm có đột biến EGFR

Bệnh nhân ung thư phổi tại thời điểm chẩn đoán, cần được đánh giá giai đoạn và được hội chẩn đa chuyên khoa để cân nhắc điều trị phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u. Khoảng 25 % bệnh nhân ung thư phổi có khả năng phẫu thuật tại thời điểm chẩn đoán, mặc dù vậy, tỉ lệ tái phát sau phẫu thuật ung thư phổi vẫn còn khá cao. Hoá trị bổ trợ sau mổ giúp giảm tỉ lệ tỉ vong sau 5 năm 5%. Trước đây, bệnh nhân ung thư phổi có đột biến EGFR ở giai đoạn khối u tiến triển xâm lấn hoặc di căn lan tràn được điều trị với thuốc nhắm trúng đích TKIs cho thấy hiệu quả giúp kéo dài sống còn so với hoá trị.

Hiện nay, vai trò của thuốc TKIs đã được thể hiện rõ hơn, với hiệu quả ghi nhận giúp giảm nguy cơ tái phát ở cả bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn sớm. Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn IB đến giai đoạn IIIA, sau khi được phẫu thuật cắt bỏ khối u và có mang đột biến gen EGFR, có thể được điều trị với thuốc nhắm trúng đích. Thuốc TKIs giúp giảm 73% nguy cơ di căn hoặc tử vong sau khi phẫu thuật . Đồng thời , thuốc TKIs còn giúp giảm 74% nguy cơ di căn não hoặc tuỷ sống, một loại di căn thường thấy ở bệnh nhân có đột biến EGFR, ở bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn II đến IIIA sau phẫu thuật. Tại thời điểm 4 năm sau phẫu thuật, 90% bệnh nhân dùng thuốc không xuất hiện di căn não hoặc tuỷ sống, trong khi chỉ có 75% bệnh nhân không dùng thuốc không xuất hiện di căn não, tuỷ sống.  Thời gian điều trị bổ trợ với TKIs có thể đến 3 năm.

Việc lựa chọn hoá trị, thuốc nhắm trúng đích TKIs hay kết hợp cả hai ở bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn sớm sau phẫu thuật cần phụ thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể sau khi được thăm khám, hội chẩn và thảo luận với bác sĩ điều trị. Điều tốt nhất cho mỗi bệnh nhân đó là xác định mục tiêu điều trị, mong muốn của bản thân, sự đồng thuận giữa bác sĩ điều trị, bệnh nhân và gia đình để đảm bảo được hiệu quả tốt nhất.

Với việc điều trị đúng và đủ, bệnh nhân ung thư phổi có thể kéo dài sự sống. Hãy đăng kí khám tại cơ sở y tế gần nhất hoặc phòng khám Ung Bướu, trung tâm Ung Bướu, bệnh viện Chợ Rẫy để được các chuyên gia y tế khám và tư vấn để nhận được cơ hội điều trị tốt nhất.

Tài liệu tham khảo

1.   ADAURA update shows sustained osimertinib benefit in EGFR-mutated NSCLC. ESMO Congress 2022; Paris, France: 9–13 September

2.   Osimertinib in Resected EGFR-Mutated Non–Small-Cell Lung Cancer N Engl J Med 2020; 383:1711-1723 .

3.   The Global Cancer Observatory - March, 2021

4.   Trend analysis for the choice and cost of lung cancer treatment in South Korea, 2003-2013. Cancer Res Treat. 2018;50:757–67

 

 

 

 

 

Các Tin Khác