QUẢN LÝ HẬU PHẪU BỆNH NHÂN SAU PHẪU THUẬT UNG THƯ PHỔI

 

                                                                                                                                                                                                                                                             BSCKI Phạm Phú Đông                                                                                                             

I.              TỔNG QUAN:

Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở Hoa Kỳ. Vào năm 2022, ước tính có khoảng 236.740 ca mắc mới (117.910 ở nam giới và 118.830 ở nữ giới)  và ước tính khoảng 130.180 ca tử vong (68.820 ở nam giới và 61.360 ở nữ giới) do căn bệnh này.

Tại Việt Nam, Ung thư phổi là bệnh lý ung thư có tỉ lệ mới mắc và tử vong đứng thứ 2 sau Ung thư gan, với khoảng 26262 ca mới mắc và 23797 ca tử vong do ung thư phổi vào năm 2020.

Chỉ khoảng 1/4 bệnh nhân ung thư phổi sống còn hơn 5 năm sau khi chẩn đoán; bao gồm những bệnh nhân bị ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC) và những người bị ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC); bao gồm cả bệnh nhân giai đoạn sớm lẫn giai đoạn di căn.

Phẫu thuật, Xạ trị và Liệu pháp toàn thân (hóa trị, miễn dịch) là ba phương thức phổ biến nhất được dùng để điều trị bệnh nhân ung thư phổi. Tùy theo tình trạng bệnh, bệnh nhân có thể được dùng đơn trị liệu hoặc phối hợp các liệu pháp.

 

II.           PHẪU THUẬT UNG THƯ PHỔI:

Phẫu thuật là phương pháp loại bỏ khối u phổi và một phần nhu mô phổi khỏe mạnh khỏi cơ thể bệnh nhân. Đây là cơ hội tốt nhất để chữa khỏi bệnh ở giai đoạn I hoặc II. Lượng phổi được cắt bỏ tùy thuộc vào vị trí và giai đoạn của khối u cũng như thể trạng, bệnh lý đi kèm của bệnh nhân trước khi phẫu thuật. Cần tham vấn phẫu thuật viên ung thư lồng ngực trong quá trình đánh giá bất kỳ bệnh nhân nào đang được cân nhắc điều trị tại chỗ.

Các hình thức phẫu thuật cơ bản:

1.     Phẫu thuật hình niêm (Wedge resection):

Phẫu thuật hình nêm là phẫu thuật cắt bỏ một mảnh phổi nhỏ, hình nêm hoặc hình bánh. Phẫu thuật này chỉ loại bỏ phần ung thư của thùy chứ không phải toàn bộ thùy.

Phẫu thuật cắt bỏ nêm được thực hiện nếu khối u nằm trong một khu vực nhỏ. Nó có thể được khuyến nghị cho các khối u carcinoid hoặc các nốt di căn từ các bệnh ung thư khác và một số loại phụ của ung thư phổi phát triển chậm. Phẫu thuật này cũng được ưu tiên cho những bệnh nhân bị suy giảm đáng kể chức năng phổi, những người không thể chịu đựng được việc cắt bỏ một phần phổi có kích thước lớn.

Phẫu thuật hình nêm thường được thực hiện kết hợp với hóa trị và/hoặc xạ trị.

2.     Phẫu thuật cắt phân thùy (Segmentectomy):

Phẫu thuật cắt phân thùy là phương pháp điều trị phẫu thuật loại bỏ một hoặc nhiều phân thùy nhưng ít hơn cắt toàn bộ thùy phổi.

Phẫu thuật cắt phân thùy chỉ được khuyến nghị cho những bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn sớm.

3.     Phẫu thuật cắt thùy (Lobectomy):

Phẫu thuật cắt thùy là phẫu thuật loại bỏ toàn bộ thùy phổi. Sau cuộc phẫu thuật, các mô khỏe mạnh sẽ phồng lên để bù cho phần bị thiếu, do đó phổi sẽ hoạt động thậm chí có thể tốt hơn so với trước phẫu thuật.

Phẫu thuật cắt thùy phổi là phương pháp điều trị phổ biến và được ưu tiên nhất cho những bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn đầu với khối u chỉ ở một phần của phổi. Trong những trường hợp này, phẫu thuật cắt thùy mang lại cơ hội tốt nhất để chữa khỏi bệnh và có thể là liệu pháp điều trị duy nhất đối với bệnh nhân.

4.     Phẫu thuật cắt phổi (Pneumonectomy):

Phẫu thuật cắt phổi là một loại phẫu thuật trong đó toàn bộ phổi bị cắt bỏ. Phẫu thuật này thường được thực hiện khi một thủ thuật ít xâm lấn hơn, chẳng hạn như phẫu thuật cắt thùy, không thể loại bỏ toàn bộ khối u, và thường được dùng khi khối u lớn, đã lan rộng ra ngoài một thùy hoặc khối u nằm ở khu vực trung tâm của phổi.

Khi chuẩn bị cho phẫu thuật cắt bỏ phổi, bệnh nhân cần được đảm bảo có đầy đủ chức năng phổi và có thể chịu đựng được cuộc sống chỉ với một lá phổi.

5.     Phẫu thuật cắt vát thùy phổi (Sleeve lobectomy):

      Phẫu thuật cắt vát thùy phổi là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ thùy phổi cũng như một phần của đường dẫn khí giúp di chuyển không khí đến thùy còn lại. Đường thở và thùy còn lại sau đó được kết nối lại để chúng có thể tiếp tục hoạt động. Thủ tục này có thể tránh sự cần thiết phải cắt bỏ phổi.

 

III.        QUẢN LÍ BỆNH NHÂN SAU PHẪU THUẬT UNG THƯ PHỔI:

1.     Một số mối quan tâm của bệnh nhân phẫu thuật ung thư phổi:

a.     Thời gian hồi phục trong bao lâu?

Thời gian phục hồi hoàn toàn sau phẫu thuật phần lớn phụ thuộc vào hai yếu tố:

o   Loại phẫu thuật được thực hiện trên bệnh nhân.

o   Tình trạng sức khỏe và chức năng phổi của bệnh nhân trước khi phẫu thuật.

Quá trình phục hồi sau phẫu thuật ung thư phổi có thể thay đổi đáng kể từ vài tuần đến vài tháng. Phẫu thuật phổi truyền thống được thực hiện thông qua phẫu thuật mở ngực (một vết rạch dài ở một bên ngực), trải rộng qua các xương sườn. Những ca phẫu thuật này, có thể dẫn đến thời gian phục hồi lâu hơn.

Ngày càng phổ biến hơn việc sử dụng các kỹ thuật phẫu thuật xâm lấn tối thiểu mới (phẫu thuật lồng ngực có hỗ trợ bằng video hoặc VATS) được thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật lồng ngực có kinh nghiệm và không liên quan đến việc cắt rộng xương sườn. Những ca phẫu thuật này có xu hướng ít đau hơn sau phẫu thuật và thời gian hồi phục nhanh hơn.

Nếu phổi của bệnh nhân ở trong tình trạng tốt và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân không bị hạn chế, bênh nhân trở lại mức độ hoạt động bình thường sau khi hồi phục sau phẫu thuật. Điều quan trọng là duy trì hoạt động hàng ngày ở mức cơ bản tốt trong những ngày trước khi phẫu thuật, điều này sẽ hữu ích cho quá trình phục hồi của bệnh nhân cả trong bệnh viện và sau khi bệnh nhân trở về nhà.

b.     Phẫu thuật sẽ ảnh hưởng thế nào đến hơi thở của bệnh nhân?

Việc cảm thấy khó thở ở một mức độ nào đó sau các ca phẫu thuật là điều bình thường và đó chắc chắn xảy ra sau khi phẫu thuật cắt bỏ một phần phổi. Mức độ khó thở phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:

o   Loại phẫu thuật

o   Mức độ chức năng phổi bệnh nhân trước khi phẫu thuật

o   Các bệnh lý nội khoa khác của bệnh nhân (chẳng hạn như bệnh tim)

o   Sự xuất hiện của bất kì biến chứng nào sau khi phẫu thuật.

Nói chung, bệnh nhân có thể cảm thấy khó thở nhẹ khi di chuyển về nhà và trong khi làm những việc như mặc quần áo, tắm vòi sen hoặc đi lên cầu thang. Tình trạng này thường cải thiện nhanh chóng khi nghỉ ngơi trong thời gian ngắn và tiếp tục cải thiện khi phần phổi còn lại thích nghi, cơn đau thuyên giảm và bệnh nhân lấy lại sức chịu đựng.

c.     Kết quả giải phẫu bệnh lý quan trọng như thế nào?

            Kết quả giải phẫu bệnh lý cuối cùng có thể mất 1-2 tuần để hoàn thành. Bác sĩ sẽ xem xét kết quả và thảo luận với bệnh nhân tại thời điểm tái khám (thường từ 10 -14 ngày sau xuất viện). Kết quả này cùng với các xét nghiệm trước phẫu thuật khác, sẽ giúp bác sĩ xác định giai đoạn ung thư cuối cùng của bệnh nhân. Giai đoạn ung thư sẽ quyết định liệu có nên điều trị bổ sung hay không.

d.     Quản lí cơn đau ra sao?

            Bệnh nhân có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu sau phẫu thuật, đặc biệt là ở khu vực xung quanh vết mổ. Cơn đau có thể kéo dài khá lâu, nhưng nó thường được kiểm soát tốt bằng thuốc. Cổ họng của bệnh nhân có thể cảm thấy đau do ống nội khí quản được đưa vào để giúp bệnh nhân thở trong quá trình phẫu thuật. Khi xuất viện, bệnh nhân có thể được kê đơn thuốc giảm đau có chất gây nghiện hoặc bệnh nhân có thể kiểm soát cơn đau bằng thuốc chống viêm không steroid, chẳng hạn như ibuprofen.

            Cơn đau dai dẳng, được gọi là hội chứng đau sau phẫu thuật lồng ngực hoặc hội chứng sau phẫu thuật cắt phổi, có thể gây khó chịu cho một số người. Cơn đau dữ dội này có thể xảy ra hàng tháng đến hàng năm sau khi phẫu thuật ung thư phổi như cắt thùy phổi hoặc cắt phổi và có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Các triệu chứng thường bao gồm khó thở tăng dần và đau khi cử động cánh tay. Bệnh nhân cần liên hệ bác sĩ phẫu thuật hoặc bác sĩ chuyên khoa giảm nhẹ để có điều trị cụ thể đối với loại đau này.

            Bệnh nhân nên dùng thuốc theo toa của bác sĩ, và hãy liên hệ cho bác sĩ nếu thuốc được kê đơn không làm giảm cơn đau.

2.     Biến chứng cần theo dõi sau phẫu thuật ung thư phổi:

            Phẫu thuật ung thư phổi là một cuộc phẫu thuật lớn và đôi khi có thể có những biến chứng nghiêm trọng. Hãy báo ngay cho nhân viên y tế nếu bệnh nhân nhận thấy bất kỳ triệu chứng đáng lo ngại nào.

a.     Viêm phổi:

Các triệu chứng của viêm phổi, bao gồm ho, khó thở và sốt. Nó thường có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Một trong những việc để ngăn ngừa viêm phổi sau phẫu thuật phổi là tầm quan trọng của việc hít thở sâu, ho và sử dụng phế dung kế khuyến khích để giữ cho phổi của bệnh nhân nở ra hoàn toàn.

b.     Cục máu đông:

Việc nằm yên trong thời gian dài trong và sau khi phẫu thuật có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông ở chân và di chuyển đến phổi. Đây là biến chứng rất nguy hiểm. Đi bộ thường xuyên hoặc dung vớ hỗ trợ hoặc vớ băng ép rất hữu ích trong việc ngăn ngừa cục máu đông. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được cho dùng thuốc để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.

c.     Nhiễm trùng:

Bệnh nhân sẽ được tiêm kháng sinh qua đường tĩnh mạch trước khi phẫu thuật để giảm khả năng vết phẫu thuật bị nhiễm trùng. Các dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm sưng, nóng, đỏ, đau xung quanh vết rạch của bệnh nhân.

d.     Nhịp tim nhanh:

Nếu bệnh nhân cảm thấy tim đập nhanh hoặc tức ngực, hãy báo cho y tá hoặc bác sĩ. Điều này đôi khi có thể xảy ra sau khi phẫu thuật phổi, nhưng nó thường là tạm thời và có thể điều trị bằng thuốc.

3.     Chế độ sinh hoạt sau xuất viện: Duy trì hoạt động và ăn uống lành mạnh.

Mệt mỏi do ung thư - được mô tả là cảm giác mệt mỏi “bao trùm toàn thân” - là một trong những triệu chứng phổ biến và khó chịu nhất mà bệnh nhân có thể gặp phải sau phẫu thuật. Sự mệt mỏi của bệnh nhân sẽ cải thiện theo thời gian.

            Ngoài ra bệnh nhân còn cảm thấy lo lắng hoặc trầm cảm sau khi phẫu thuật ung thư phổi. Nếu bệnh nhân cảm thấy đặc biệt lo lắng hoặc căng thẳng quá mức, hãy liên hệ với một chuyên gia về tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa về ung thư.

            Thời gian cần thiết để trở lại làm việc tùy thuộc vào loại công việc bệnh nhân làm, loại phẫu thuật bệnh nhân đã thực hiện và cơ thể bệnh nhân hồi phục nhanh như thế nào; thông thường là khoảng 6-8 tuần sau phẫu thuật ung thư phổi.

            Bệnh nhân không nên nâng bất cứ thứ gì nặng hơn 5 kg trong 2 tuần sau khi phẫu thuật lồng ngực có hỗ trợ bằng video và 6-8 tuần sau khi phẫu thuật mở.

Bệnh nhân nên đi bộ thường xuyên, nhằm mục đích trở lại ít nhất là mức hoạt động trước khi phẫu thuật trong vòng 4-6 tuần. Ngay cả khi bệnh nhân chỉ có thể đi bộ vài phút mỗi lần, việc đứng dậy và đi bộ thường xuyên có thể giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn. Ngay cả những hoạt động bình thường hàng ngày cũng có thể khiến bệnh nhân mệt mỏi, vì vậy hãy đảm bảo dừng lại và ngồi xuống nếu bệnh nhân bắt đầu cảm thấy choáng ngợp. Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.

            Ăn một chế độ ăn uống cân bằng giàu protein sẽ giúp bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật. Bệnh nhân được khuyến khích ăn bữa ăn bao gồm một nguồn protein lành mạnh, cũng như trái cây, rau và ngũ cốc. Không uống rượu, đặc biệt là trong khi bệnh nhân đang dùng thuốc giảm đau và không hút thuốc. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng nếu cần thiết để có chế độ ăn hợp lý hơn.

4.     Chăm sóc vết mổ của bệnh nhân

            Bệnh nhân sẽ cần phải thay băng thường xuyên để vết mổ luôn sạch sẽ. Bệnh nhân cũng có thể bị ngứa và tăng độ nhạy cảm xung quanh vết mổ khi nó lành lại.

            Bệnh nhân có thể tắm, nhưng không tắm bồn. Sử dụng xà phòng và nước trên vết mổ và làm cho khu vực đó khô ráo một cách nhẹ nhàng. Không ngâm mình trong hồ bơi hoặc bồn tắm nước nóng cho đến khi vết thương của bệnh nhân lành hoàn toàn (thường có thể mất 4-6 tuần).

Điều quan trọng là phải theo dõi vết thương hàng ngày để biết các dấu hiệu nhiễm trùng. Tái khám sớm hoặc thông báo cho bác sĩ phẫu thuật của bệnh nhân nếu bệnh nhân gặp bất kỳ điều nào sau đây:

o   Dịch dẫn lưu tăng đột ngột.

o   Sưng hoặc chảy dịch quá mức từ đường mổ trên da.

o   Đường mổ bị hở.

o   Đỏ xung quanh đường mổ.

o   Sờ nóng ấm dọc theo đường mổ trên da.

o   Tăng thân nhiệt (lớn hơn 101°F hoặc 38°C).

5.     Các triệu chứng khẩn cấp :

Hãy gọi 115 hoặc nhờ ai đó đưa bệnh nhân đến phòng cấp cứu gần nhất nếu bệnh nhân gặp phải:

o   Nhức đầu dữ dội hoặc đau bụng.

o   Đau đột ngột, dữ dội ở ngực.

o   Ho ra máu đỏ tươi.

o   Đột ngột tê hoặc yếu ở cánh tay hoặc chân của bệnh nhân.

o   Khó thở không thuyên giảm khi nghỉ ngơi.

o   Nhịp tim “đua xe”.

o   Ngất xỉu.


 

 

IV.         TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.      https://gco.iarc.fr/today/data/factsheets/populations/704-viet-nam-fact-sheets.pdf.

2.     NCCN – NSCLC V1.2023.

3.     https://ctsurgerypatients.org/before-during-and-after-surgery/after-lung-cancer-surgery#overview

 

 

Các Tin Khác