BV Chợ Rẫy, nơi hằng ngày tiếp nhận từ 4.000 đến 6.000 lượt KCB ngoại trú, nếu không ứng dụng CNTT thì không cách gì “hóa giải” nổi tình trạng ùn ứ do TTHC gây nên. Theo BS.Nguyễn Trường Sơn- Giám đốc BV Chợ Rẫy, khu vực khám bệnh là nơi ứng dụng CNTT từ rất sớm, với sự thống nhất cao giữa tất cả các khoa, phòng. Trong đó, việc nhập thông tin đầu vào có tác dụng giúp bệnh nhân giảm đi lại; đồng thời xóa bỏ tình trạng bán số thứ tự khám bệnh vốn là vấn nạn nhức nhối trước đây. Ngoài ra, ứng dụng này cũng giúp công tác phân luồng bệnh nhân tái khám và bệnh nhân mới diễn ra nhanh chóng, giúp hoạt động KCB nhịp nhàng hơn.
Cũng theo BS.Sơn, việc ứng dụng CNTT còn hỗ trợ trực tiếp cho các bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh, giúp bệnh nhân có được kết quả KCB tốt nhất với thời gian nhanh nhất. Đáng chú ý, phần mềm hướng dẫn sử dụng và quản lý kháng sinh đã được triển khai thực hiện hơn 2 năm qua. Với 2 chức năng cốt lõi (hướng dẫn sử dụng kháng sinh và theo dõi các chỉ số sử dụng kháng sinh), các bác sĩ dễ dàng tra cứu, tham khảo… khi kê đơn. “Hy vọng việc ứng dụng các tiến bộ của CNTT sẽ giúp cho chương trình giám sát sử dụng kháng sinh tại BV ngày càng hiệu quả hơn, hạn chế thấp nhất tình trạng kháng thuốc kháng sinh…”- BS.Sơn nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, hàng loạt BV trên địa bàn TP.HCM như: BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định, BV Ung Bướu, BV quận Thủ Đức, BV quận 2, BV Chấn thương chỉnh hình, BV Tai Mũi Họng… đều tập trung ứng dụng CNTT, tạo cơ chế “Một cửa” trong hoạt động KCB. Đặc biệt, với bệnh nhân BHYT lâu nay đã không còn than vãn chuyện bị “phân biệt đối xử” cũng nhờ các BV ứng dụng thành công CNTT. Khi đăng ký KCB, bệnh nhân BHYT chỉ cần đăng ký một lần rồi đến phòng khám theo hướng dẫn. Sau khi hoàn tất quá trình khám và thực hiện các xét nghiệm theo chỉ định (nếu có), bệnh nhân hoàn tất việc thanh toán (đồng chi trả) và nhận thuốc BHYT, không phải vòng vèo lúc thì đóng tiền chỗ này, lúc thì đóng tiền chỗ nọ mất rất nhiều thời gian.
Hiện mức “trần” thời gian KCB giảm chỉ còn 2,5 giờ- 3,5 giờ/bệnh nhân. Theo BS.Nguyễn Đình Phú- Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, ứng dụng CNTT đã giúp tiết kiệm cho bệnh nhân hơn 50 phút chờ đợi. Riêng BV Tai Mũi Họng- vốn là BV chuyên sâu (chuyên khoa) duy nhất tại TP.HCM, sự quá tải gần như thường trực do cơ sở hạ tầng quá chật hẹp. Theo BS.Phan Trần Chung Thủy- Giám đốc BV, mặc dù hệ thống các phòng khám ngoại trú được thiết kế tạm trong lúc chờ tòa nhà mới đang chuẩn bị hoàn thiện, song ứng dụng CNTT vẫn được triển khai xuyên suốt. “Nhờ ứng dụng CNTT, tình trạng chờ đợi của bệnh nhân đã được cải thiện đáng kể”- BS.Chung Thủy nói.
Tuy nhiên, cải cách TTHC chỉ là một phần trong câu chuyện rút ngắn thời gian KCB. “Cái khó bó cái khôn” dường như đang là mẫu số chung của các BV trong bài toán rút ngắn thời gian KCB. Cái khó ấy chính là hệ thống thiết bị xét nghiệm còn hạn chế. Đơn cử, trong 3 giờ khám KCB ngoại trú, bệnh nhân có thể mất đến 2 giờ cho việc chờ xét nghiệm và chờ kết quả xét nghiệm.
Điều đáng nói, việc đầu tư trang thiết bị xét nghiệm để cải thiện tình trạng này không phải chuyện đơn giản, đây là bài toán tài chính BV. Nói cách khác, rút ngắn thời gian KCB ngoại trú đến thời điểm này có thể nói là đã “rút hết cỡ” thông qua cải cách TTHC. Còn muốn rút ngắn hơn nữa thời gian KCB ngoại trú, các BV cần tính đến phương án khác, trong đó gia tăng năng lực thực hiện xét nghiệm là chuyện cần kíp.
Thành Long