ThS.BS. Châu Đỗ Trường Vi_Khoa Hoá Trị - Bệnh viện Chợ Rẫy
Khả năng phát triển ung thư phổi của một người quyết định bởi nhiều yếu tố được gọi là "các yếu tố nguy cơ". Các yếu tố nguy cơ phổ biến của ung thư phổi bao gồm tiếp xúc với khói thuốc lá; phơi nhiễm với bức xạ hoặc các vật liệu độc hại khác; có người thân trong gia đình mắc ung thư; tuổi cao; hoặc có tiền sử mắc một số bệnh phổi. Mặc dù phần lớn bệnh nhân ung thư phổi có nhiều hơn một trong các yếu tố nguy cơ kể trên, vẫn có một số trường hợp không rõ nguyên nhân gây ra ung thư.
a. Khói thuốc lá:
Hút thuốc lá (bao gồm cả thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử, xì gà và thuốc lào) được ước tính là nguyên nhân chính gây ra 90% ca ung thư phổi. Người hút thuốc lá có nguy cơ phát triển ung thư phổi cao hơn người không hút thuốc 10-30 lần. Bên cạnh đó, tất cả các hình thức sử dụng thuốc lá, bao gồm tẩu, xì gà và thuốc lá dạng nhai, có thể gây ung thư miệng, cổ họng và phổi. Ngoài ra, hút thuốc lá thụ động cũng có thể gây nguy hiểm không kém khi khói thuốc chứa các chất sinh ung thư tương tự như khi hút thuốc trực tiếp.
Hình 1. Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi
(Nguồn: https://www.mskcc.org/news/how-do-cigarettes-cause-cancer)
b. Phơi nhiễm bức xạ:
Các nguồn bức xạ có thể làm hỏng cấu trúc các mô và làm tăng nguy cơ ung thư của một người theo thời gian hoặc khi tiếp xúc ở liều lượng cao. Các nguồn bức xạ có thể bắt nguồn từ trong nhà, trong môi trường xung quanh, từ nơi làm việc hoặc khu quân sự, và trong các cơ sở khám chữa bệnh (từ tia X, xạ trị).
c. Radon:
Radon tại nhà và nơi làm việc được công nhận là một yếu tố nguy cơ đối với ung thư phổi. Radon là một loại khí phóng xạ xuất hiện tự nhiên trong lòng đất bị rò rỉ ra khỏi mặt đất và vào các tòa nhà. Bản chất randon không thể nhìn thấy hoặc ngửi thấy được. Các tòa nhà có mức radon cao phải giảm thiểu radon để thoát khí radon ra bên ngoài hoặc bịt kín tòa nhà nhằm chống lại sự xâm nhập của radon.
d. Các yếu tố nghề nghiệp và môi trường:
Trong gia đình, việc thường xuyên sử dụng nhiên liệu như củi hoặc than để nấu nướng làm tăng nguy cơ gây ung thư phổi, đặc biệt là đối với phụ nữ. Môi trường làm việc cũng có thể tiềm ẩn các nguy cơ mắc ung thư phổi bao gồm làm việc với amiăng, thạch tín, bức xạ; bụi và khói từ các kim loại như niken, crom và các kim loại khác.
e. Tuổi tác:
Nguy cơ phát triển ung thư phổi tăng lên theo tuổi tác. Ung thư phổi vẫn có thể xảy ra ở những người trẻ tuổi, mặc dù những ca ung thư phổi dưới 40 tuổi khá ít. Từ sau 40 tuổi, nguy cơ phát triển ung thư phổi tăng dần theo mỗi năm.
f. Gia đình và yếu tố di truyền:
Một số người có khuynh hướng mắc bệnh ung thư phổi di truyền. Bất kỳ ai có người thân trực hệ (cha mẹ hoặc anh chị em ruột) mắc ung thư phổi đều có nguy cơ tự phát triển ung thư phổi cao hơn.
g. Bệnh phổi và các bệnh ung thư khác:
Những người đã từng mắc một loại ung thư khác cũng có thể có nguy cơ phát triển ung thư phổi, đặc biệt đối với những người đã mắc ung thư liên quan đến sử dụng thuốc lá, chẳng hạn như ung thư vòm họng, hoặc những người đã điều trị bức xạ ở vùng ngực của họ. Ngoài ra, những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc xơ phổi có nguy cơ phát triển ung thư phổi cao hơn.
Tài liệu tham khảo:
1. Alberg AJ, Samet JM. Epidemiology of lung cancer. Chest 2003; 123:21S.
2. Adler L. Primary malignant growth of the lungs and bronchi, Longmans-Green, New York 1912.
3. Nomura A, Stemmermann GN, Chyou PH, et al. Prospective study of pulmonary function and lung cancer. Am Rev Respir Dis 1991; 144:307.