NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ HOÁ TRỊ TRONG UNG THƯ PHỔI

Ths.Bs. Nguyễn Đặng Thuận An

Trung Tâm Ung Bướu – Bệnh viện Chợ Rẫy

 

1.     Ung thư phổi và liệu pháp hoá trị trong Ung thư phổi

Ung thư phổi là bệnh lý xảy ra khi các tế bào lót niêm mạc phế quản tăng sinh bất thường tạo thành các khối bướu ác tính. Khi các khối bướu này không được điều trị, có thể di căn đến các nơi khác của cơ thể ( gan, não, xương ). Ung thư phổi bao gồm 2 loại chính : ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ. Sau khi chẩn đoán xác định có tế bào bướu ác tính trong phổi, tiếp theo bác sĩ sẽ chẩn đoán xác định giai đoạn của bệnh lý dựa vào kích thước khối bướu, sự lan tràn của khối bướu đến hạch bạch huyết và tình trạng di căn đến các vị trí khác trong cơ thể

 

Liệu pháp điều trị mà bác sĩ chỉ định sẽ tuỳ thuộc vào giai đoạn và tính chất bệnh cũng như tình trạng sức khoẻ và lựa chọn của bệnh nhân. Việc điều trị có thể bao gồm chỉ 1 liệu pháp hoặc phối hợp nhiều liệu pháp với nhau. Các liệu pháp điều trị chính bao gồm : phẫu thuật ( nhằm lấy bỏ khối u ra khỏi cơ thể ) , xạ trị ( sử dụng tia xạ có năng lượng để phá huỷ tế bào ung thư và ngăn chúng phát triển) , hoá trị ( sử dụng thuốc để phá huỷ tế bào ung thư ở mức độ toàn thân, thường bằng cách ngăn cản khả năng phát triển và phân chia tế bào ) , liệu pháp nhắm đích ( nhắm các phân tử đích phát các tín hiệu phát triển trên bề mặt tế bào ung thư ) , liệu pháp miễn dịch ( thúc đẩy hệ thống bảo vệ tự nhiên của cơ thể nhằm chống lại tế bào ung thư )

Để đưa thuốc hoá trị vào cơ thể, 2 đường dùng phổ biến nhất là : đường tĩnh mạch và đường uống.

·     Đường tĩnh mạch : được thực hiện tại bệnh viện, thời gian thực hiện có thể kéo dài vài giờ hoặc vài ngày

·     Đường uống : có thể dùng tại nhà. Có dạng viên nén, viên nang hoặc chất lỏng. Hiệu quả tương tự như các đường dùng khác.

Bác sĩ sẽ đánh giá các xét nghiệm máy, tính liều lượng thuốc sử dụng, bệnh nhân sẽ được theo dõi các tác dụng ngoại ý xảy ra trong và sau quá trình truyền thuốc hoặc  hướng dẫn nhận biết và xử trí các tác dụng phụ trong quá trình dùng thuốc tại nhà

1.     Các tác dụng ngoại ý thường gặp do hoá trị

Thuốc hoá trị ung thư giết tế bào ung thư nhưng cũng ảnh hưởng đến tế bào bình thường. Các tế bào bị ảnh hưởng nhiều là các tế bào có tốc độ phân chia nhanh ( như tế bào máu, lông tóc, hệ tiêu hoá, niêm mạc miệng ). Người sử dụng nhiều loại thuốc phối hợp hoá trị sẽ có nhiều tác dụng ngoại ý hơn chỉ sử dụng 1 loại thuốc. Đặc biệt, đối với hoá trị đường tĩnh mạch , thuốc có thể gây thoát mạch gây tổn thương hoặc hoại tử tại vị trí tiêm.

Các tác dụng ngoại ý thường gặp là :

·       Mệt mỏi : Bệnh nhân luôn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức, ăn kém ngon

·       Rụng tóc : một số loại hoá chất gây rụng tóc, thường bắt đầu xảy ra vài tuần sau hoá trị

·       Viêm loét họng và miệng : Hoá trị có thể gây tổn thương tế bào bên trong niêm mạc miệng và họng. Viêm khoang miệng thường xảy ra sau 5 tới 14 ngày sau hoá trị, vết loét có thể nhiễm trùng. Vệ sinh răng miệng sạch sau khi ăn, súc miệng bằng nước muối, Betadine có thể giảm nguy cơ viêm loét miệng do hoá trị

·       Tiêu chảy : Một số thuốc hoá trị gây tiêu chảy, dẫn đến mất nước nhiều, da khô, thậm chí các trường hợp nặng bệnh nhân bị mất dịch nhiều dẫn đến tụt huyết áp. Các trường hợp này, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phòng tiêu chảy và hướng dẫn các dung dịch bù nước điện giải ( oresol ) , khuyến cáo nhập viện địa phương truyền dịch khi mất nước nặng.

·       Nôn và buồn nôn : là triệu chứng thường gặp làm cho bệnh nhân khó chịu vì nôn ói làm cho bệnh nhân không thể ăn uống hoặc uống thuốc. Bác sĩ thường cho bệnh nhân thuốc để dự phòng buồn nôn và nôn.

·       Giảm bạch cầu trung tính do hoá trị : Hoá trị ảnh hưởng đến các tế bào tạo máu đang phân chia ở tuỷ xương. Hoá trị có thể tạm thời làm giảm tạo ra các tế bào máu : hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Giảm bạch cầu trong máu làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Một trong những dấu hiệu của nhiễm trùng là sốt > 38 độ , bệnh nhân thường đi kèm các dấu hiệu khác : run, ớn lạnh, tiêu chảy, khó thở, đau họng, đỏ họng hoặc sưng quanh vùng tiêm thuốc. Để giảm nguy cơ nhiễm trùng bệnh nhân cần giữ vệ sinh thân thể , rửa tay sau khi đi vệ sinh, hạn chế tiếp xúc nơi đông người, không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác, không ăn thịt cá sống, rửa rau quả và gọt vỏ trái cây trước khi ăn. Báo ngay cho bác sĩ nếu có các dấu hiệu của sốt nhiễm trùng

·       Táo bón : một số thuốc hoá trị hoặc thuốc giảm đau có thể gây táo bón, cần uống nhiều nước, ăn đủ chất xơ, tập vận động nhẹ để phòng tránh táo bón.

·       Tác dụng lên hệ thần kinh : Một số thuốc hoá trị tác động lên thần kinh trung ương và ngoại biên làm giảm trí nhớ, mất ngủ, đau, tê bì các đầu ngón tay, ngón chân.

Ảnh hưởng đến khả năng tình dục và sinh sản : hoá trị gây vô kinh, giảm ham muốn tình dục và khả năng sinh sản ở cả nam và nữ. Đặc biệt đa phần các thuốc hoá trị đều gây ảnh hưởng dị tật thai nhi trong 3 tháng đầu thai kỳ, do đó trước khi điều trị hoá trị , các bệnh nhân nam và nữ đều được tư vấn về các biện pháp tránh thai, hoặc trữ trứng, tinh trùng 

 

 

Tài liệu tham khảo :

-        Tài liệu tham khảo dành cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ– Mims oncology

-        ASCO answers : Non-small cell lung cancer . American society of clinical oncology 2018

-        How is chemotherapy given. Chemocare  2018

 

Các Tin Khác